Google search engine
HomeTin tứcCô thủ thư hăng say phát triển văn hóa đọc

Cô thủ thư hăng say phát triển văn hóa đọc

Nếu xem thư viện là ‘trái tim’ của trường học, thì người thủ thư được ví như ‘trái tim’ của thư viện. Điều này có lẽ đúng với cô Lê Thị Ninh, cán bộ thủ thư Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa). Từ niềm đam mê đọc sách, tâm huyết với phát triển văn hóa đọc, cô luôn năng nổ, nhiệt tình, hết lòng khơi dậy đam mê đọc sách cho học sinh.

Thủ thư Lê Thị Ninh hướng dẫn học sinh chọn sách.

Có mặt tại Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga đúng lúc tiếng trống trường kết thúc tiết học vang lên, các em học sinh ùa về phía thư viện trường. Chẳng mấy chốc, thư viện đã đông học sinh. Mỗi em lựa chọn cho mình một cuốn sách ưa thích. Các em đều trong tư thế thoải mái nhất để đọc sách. Em thì ngồi trên ghế, em thì ngồi hẳn xuống nền gạch, có nhóm thì chụm đầu vào nhau tận hưởng những trang sách. Em Trịnh Mai Hương, lớp 4C chia sẻ: “Thư viện trường học là nơi em thường xuyên đến mỗi ngày. Ở đây có rất nhiều sách hay, hấp dẫn. Do đó, ngay từ lớp 1, thư viện trường đã thu hút sự quan tâm của em”. Còn với em Phạm Minh Khuê lớp 7B2, thư viện trường không chỉ nhiều sách hay mà tại đây em được thoải mái cảm nhận sách, trao đổi nội dung trong sách với cô thủ thư. Nhờ đó, em cảm được cái hay, thú vị của những cuốn sách và đam mê đọc sách.

Nhiệt tình hướng dẫn các em đọc sách, vui vẻ trao đổi với học sinh điều các em thắc mắc, cô Lê Thị Ninh cho biết: “Một cuốn sách hay chưa đủ để khơi dậy đam mê đọc sách của các em học sinh. Cần có sự định hướng, hướng dẫn các em cách khai thác, chắt lọc ý hay và cảm nhận chất liệu cuộc sống trong những trang sách. Do đó, tôi luôn có nhiều hoạt động tương tác để các em cảm nhận được sách, yêu sách. Thấy các em nhỏ đam mê đọc sách tôi rất hạnh phúc”.

Cô thủ thư Lê Thị Ninh (sinh năm 1974) lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, đam mê đọc sách. Từ nhỏ cô đã được bố mẹ đọc sách/truyện cho mỗi ngày. Lớn lên bố mẹ luôn định hướng cho cô lựa chọn đọc sách phù hợp với lứa tuổi; thường xuyên đưa cô đến hiệu sách và những phần thưởng bố dành cho cô đều là sách. Cứ thế sách đã trở thành người bạn đồng hành của cô trong mọi chặng đường. Bởi vậy, cô Ninh luôn dành một tình yêu đặc biệt cho sách. Từ tình yêu với sách cô luôn đam mê đọc sách và mong muốn lan tỏa tình yêu sách đến tất cả mọi người, đặc biệt là các em học sinh. Cô Ninh cho rằng, sách là một tài sản quý giá, giúp mỗi người tiếp cận tri thức từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Từ đó, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan bền vững.

Cô Lê Thị Ninh từng là giáo viên của một trường tiểu học. Trong suốt những năm làm giáo viên, cô vẫn luôn đam mê với sách. Cô luôn trăn trở về việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh; mong muốn xây dựng thư viện trường học với những cuốn sách hay, hấp dẫn; đưa thư viện trường học trở thành nơi nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy đam mê đọc sách cho học sinh. Để thực hiện mong muốn của mình, cô Ninh đã rời bục giảng, trở về làm thủ thư cho Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga vào năm 2016. Vượt qua những khó khăn ban đầu, cô thủ thư yêu sách ấy xây dựng thư viện trường với hơn 2.000 đầu sách, dần trở thành điểm hấp dẫn học sinh.

Để thư viện trường không chỉ là kho sách, cô Ninh đã nghiên cứu, tìm tòi, sưu tập những đầu sách hay. Mỗi cuốn sách trong thư viện đều được cô Ninh đọc và cảm nhận trước khi đưa đến với các em học sinh. Đặc biệt, với tâm huyết phát triển văn hóa đọc, cô Ninh đã kết nối với các tác giả, dịch giả tổ chức nhiều buổi giao lưu, trò chuyện về sách, giá trị của sách với các em học sinh. Đồng thời, kết nối với các nhà sách để kịp thời bổ sung những đầu sách hay, bổ ích để làm mới thư viện, hấp dẫn các em học sinh.

Có lẽ phải rất tâm huyết với nghề và luôn trăn trở về phát triển văn hóa đọc thì cô Ninh mới có nhiều ý tưởng hoạt động cho thư viện đến vậy. Cô Ninh đã đề xuất đưa tiết đọc sách tại thư viện vào thời khóa biểu của từng lớp. Mỗi tuần 1 tiết, các em học sinh có 1 tiết đọc tại thư viện. Đối với các em lớp 1, 2 cô Ninh lựa chọn cách đọc sách cho các em nghe. Với giọng đọc truyền cảm, cách nhấn nhá, liên hệ câu chuyện với cuộc sống, cùng với mỗi tiết là 1 câu chuyện khác nhau, cách giới thiệu khác nhau, tiết đọc sách đã để lại ấn tượng cho các em học sinh. Điều này đã tạo hứng thú cho các em với mỗi tiết đọc và những cuốn sách. Đối với các học sinh lớp lớn cô thủ thư hướng dẫn các em đọc sách phù hợp với lứa tuổi, thường xuyên tương tác với các em về nội dung cuốn sách. Đặc biệt, với những bạn học sinh bậc THPT, cô thủ thư yêu cầu các em viết bài thu hoạch về những cuốn sách đã đọc trong tháng.

Để khơi dậy đam mê đọc sách của học sinh, cô thủ thư đã đề nghị nhà trường tặng thưởng cho các em có thành tích trong học tập bằng những bộ sách hay, giá trị. Tổ chức các cuộc thi về sách, văn hóa đọc. Đặc biệt, cô còn quay video giới thiệu sách, làm sách nói đăng lên web của trường và các nhóm lớp để cho phụ huynh cùng đọc sách. Những cách làm sáng tạo của cô Ninh đã làm bao thế hệ học trò mê mẩn với các tiết đọc thư viện – những buổi đọc truyện, kể chuyện mang tính chất giáo dục.

Cô Lê Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga, chia sẻ: “Cô thủ thư Lê Thị Ninh đã tạo một “luồng gió mới” cho thư viện và văn hóa đọc nhà trường. Cô đã khơi dậy đam mê đọc sách không chỉ cho học sinh mà các phụ huynh cũng dần hiểu được vai trò của đọc sách và văn hóa đọc. Ban đầu, việc thuyết phục, khuyến khích các em đọc sách không hề dễ dàng, song với sự kiên trì của cô Ninh, hiện nay phần lớn học sinh trong trường ngày càng yêu thích sách. Nhiều em đã nâng cao kết quả học tập từ việc đọc sách”.

Theo Báo Thanh Hóa

Bài viết liên quan

Phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới nhất