Google search engine
HomeThư viện 4.0Sức sống mới của thư viện Thomas Hughes

Sức sống mới của thư viện Thomas Hughes

Nhằm mang tới cho trẻ một không gian học tập sinh động và đổi mới, chính quyền thành phố Chicago (Mỹ) đã thực hiện dự án cải tạo toàn diện Thư viện thiếu nhi Thomas Hughes, thuộc Thư viện Harold Washington. Sau 5 năm vận hành, nơi đây đã trở thành điểm đến được yêu thích, đáng tin cậy của trẻ em cũng như các phụ huynh ở thành phố lớn nhất bang Illinois này.

Thư viện Thomas Hughes mang tới cho trẻ em Chicago nhiều trải nghiệm thú vị

Nhờ khoản tài trợ hào phóng trị giá 2,5 triệu USD từ Tập đoàn năng lượng Exelon, năm 2016, Thư viện thiếu nhi Thomas Hughes, với diện tích lên tới 731,5 héc ta, đã được cấu trúc lại và chuyển đổi hoàn toàn thành một trung tâm khuyến khích học tập và vui chơi sáng tạo.

Không gian học tập đầy sáng tạo này do Công ty Gensler Architecture thiết kế, là sự kết hợp khoa học, đầy tính kết nối giữa các khu vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) và 5 phương pháp học tập sớm – nói, hát, đọc, viết cùng vui chơi. Sự đa dạng về kiến thức cùng không gian trưng bày hấp dẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhận thức của trẻ em. Thiết kế của thư viện dựa trên ý kiến của nhóm chuyên gia cố vấn đến từ Bảo tàng Trẻ em Chicago, Quỹ Lego, Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp, Đại học Chicago – CEMSE và Đại học Yale. Trong suốt quá trình lập thiết kế, các chuyên gia thường xuyên cung cấp kiến thức chuyên môn, thực hiện các cuộc khảo sát để đưa ra một mô hình đáp ứng được yêu cầu phát triển của trẻ trong thời đại mới.

Hầu hết các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, vui chơi là nền tảng chính cho sự phát triển của trẻ, truyền cảm hứng sáng tạo và gắn kết với các bạn cùng trang lứa. Thư viện dành cho trẻ em được thiết kế lại theo hướng khuyến khích sự tương tác giữa trẻ em và tài liệu, giữ tài liệu đọc ở trong tầm mắt và hỗ trợ phát triển khả năng học sâu hơn thông qua các trải nghiệm STEM. Các thủ thư cũng tập trung vào việc khuyến khích phụ huynh, người chăm sóc trẻ tích cực tham gia chơi với con cái của họ với tư cách là giáo viên chính của trẻ trong không gian thư viện.

Theo đánh giá của các phụ huynh, điểm nổi bật của Thư viện thiếu nhi Thomas Hughes mới là không gian linh hoạt với đồ nội thất có thể di chuyển. Điều này giúp nhà quản lý có thể dễ dàng sắp xếp lại không gian phù hợp với các chương trình khác nhau. Ấn tượng thứ hai là Thư viện được thiết kế theo phong cách Boomerang phóng khoáng, phân chia các khu vực theo nhóm tuổi bằng các món đồ nội thất linh hoạt. Những khu vực khác nhau này, được gọi là “khu phố”, bao gồm: Khu dành cho trẻ học sớm từ 0 – 5 tuổi, khu vui chơi dành cho học sinh tiểu học từ 6 – 10 tuổi và khu dành cho thiếu nhi từ 10 – 12 tuổi. Mỗi “khu phố” được trang bị đồ chơi, đồ nội thất và mô hình hoạt động phù hợp với lứa tuổi.

Nhìn chung, Thư viện thiếu nhi Thomas Hughes đã mang một diện mạo hoàn toàn mới sau khi dự án cải tạo hoàn thành vào tháng 7-2017. Mô hình thư viện theo kiểu cũ cùng với không gian ngột ngạt, yên tĩnh, ghế và bàn ghế kê theo cách truyền thống không còn. Thay vào đó là một không gian nhiều màu sắc tươi sáng, các góc ngồi được tích hợp vào giá sách để các em dễ dàng tìm thấy những chủ đề cần tìm kiếm.

Ngay lối vào thư viện, các em nhỏ được chào đón bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật sinh động. Khu vực đặt máy in 3-D, máy cắt laser cũng là nơi trẻ yêu thích bởi chúng có thể tự tạo ra những sản phẩm thủ công theo trí tưởng tượng như đồng hồ mặt trời, các con vật dễ thương… Ở trung tâm của thư viện là một quảng trường, nơi tổ chức các buổi biểu diễn ca hát và múa rối.

Ông Rahm Emanuel – nguyên Thị trưởng Chicago và nay là Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản – cho biết, việc tu sửa Thư viện Thomas Hughes đã cung cấp cho trẻ em thành phố này trải nghiệm học tập của thế kỷ XXI. “Các chương trình và sáng kiến học tập sớm cung cấp một nền tảng giáo dục vững chắc, cần thiết để hỗ trợ sự thành công lâu dài cho trẻ em Chicago và cho tương lai của chúng ta. Mô hình của Thư viện Thomas Hughes nên được nhân rộng để mang đến cho mọi trẻ em sự hỗ trợ cần thiết trong những năm đầu đời. Đây là đòn bẩy quan trọng có thể giúp các em thành công ở trường đại học, đào tạo nghề và trong cuộc sống” – ông Emanuel nhận định.

Việc làm mới lại thư viện đã gợi cho trẻ em hứng thú khám phá tương tự như việc “thám hiểm một vùng đất mới”. Trong quá trình đó, các em có thể nảy ra những ý tưởng và sở thích chưa từng có trước đây để theo đuổi đam mê của mình.

Theo Báo Hà Nội Mới

Bài viết liên quan

Phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới nhất