Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động thư viện thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn khi các hoạt động bị hoãn hoặc hủy. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển văn hóa đọc cho người dân cả nước. Thế nhưng khi mọi thứ đã dần trở lại bình thường, ngành thư viện Việt Nam đã, đang có những đổi mới để tích cực thúc đẩy văn hóa đọc, bù lại quãng thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Lượng bạn đọc giảm
Theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), trong hai năm 2020, 2021, nhiều thư viện trên cả nước chứng kiến sự sụt giảm lượng bạn đọc. Nguyên nhân là bởi vào thời điểm đó, dịch bệnh có những diễn biến căng thẳng. Người dân có tâm lý e ngại khi đến những địa điểm công cộng hoặc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Các hoạt động thư viện, khuyến đọc trong trạng thái “bình thường mới” đang được tích cực triển khai.
Cùng chung nhận định, bà Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện chia sẻ: “Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động thư viện cũng như phong trào phát triển văn hóa đọc trong cả nước. Vì dịch bệnh bùng phát, nhiều thư viện, đặc biệt là các thư viện trường học phải đóng cửa trong thời gian dài. Các ngày hội sách, sự kiện văn hóa đọc phải hoãn, hủy hoặc tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Vì vậy, phong trào đọc bị giảm sút trong thời gian qua”.
Nhưng ngay sau khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, toàn ngành thư viện đã chủ động đổi mới, sáng tạo. Mục đích là để tăng cường phục vụ bạn đọc nhưng vẫn đảm bảo được công tác chống dịch. Không “ngồi yên” chờ bạn đọc đến mà thay đổi để thu hút bạn đọc đến thư viện.
Thực tế để bù lại quãng thời gian bị đình trệ bởi dịch bệnh, hoạt động thư viện trong các tháng đầu năm 2022 đã được các thư viện trên cả nước liên tục được tổ chức. Nhiều thư viện đã thực hiện luân chuyển sách, báo, tạp chí xuân đến thư viện cấp huyện. Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, một số thư viện đã ký kết chương trình phối hợp với ngành công an, phục vụ lưu động tại các trại giam trên địa bàn các tỉnh như Hải Dương, Nghệ An, Long An, TP. Hồ Chí Minh… Ngoài ra, còn nhiều hoạt động khuyến đọc như chương trình tặng sách miễn phí cho học sinh nghèo, tặng quà cho các trẻ em có người thân mất do dịch Covid-19…
Đặc biệt, ngành thư viện đã chủ động đổi mới hình thức tổ chức phục vụ để phù hợp với công tác phòng chống, dịch bệnh. Trong đó, các thư viện nâng cao hiệu quả tuyên truyền bằng cách kết hợp hình thức hình thức trực tiếp, trực tuyến.
So với mọi năm, hoạt động hệ thống thư viện vừa qua đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, đa dạng về phương thức tổ chức. Sự đổi mới nhằm đảm bảo thích ứng với tình hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay nhưng vẫn đem lại hiệu ứng xã hội tích cực; khẳng định vị trí, vai trò của thư viện là một trong những kênh quan trọng góp phần chấn hưng văn hóa Việt Nam.
“Để các hoạt động diễn ra suôn sẻ, chúng tôi đã yêu cầu các thư viện phải tuân thủ nghiêm quy tắc 5K trong phục vụ tại chỗ. Có như vậy, thư viện mới tạo được tâm lý an tâm cho bạn đọc. Không chỉ hoạt động theo phương thức truyền thống, việc kết hợp cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số phải là yếu tố được ưu tiên. Hiệu quả bước đầu đã đến khi lượng người đọc đến thư viện dần tăng trở lại”, ông Phạm Quốc Hùng cho biết thêm.
Tăng tốc chuyển đổi số
Có thể nói, dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức cung ứng dịch vụ của hệ thống thư viện. Phương thức phục vụ thông qua không gian mạng được chú trọng hơn và dần giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, bản thân công tác chuyển đổi số vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Một số thư viện đã tiên phong và triển khai được nhiều hoạt động tích cực nhưng cũng còn nhiều thư viện thụ động, chưa phát triển được nguồn tài nguyên số. Học liệu điện tử trong các trường đại học, cao đẳng nhiều nơi còn hạn chế, không được cập nhật thường xuyên.
Theo lý giải của người đứng đầu ngành thư viện, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số thư viện là vấn đề về quyền tác giả và các quyền liên quan. Không phải tác giả nào cũng đồng ý để số hóa tác phẩm của mình, phục vụ đông đảo bạn đọc do lo ngại bị xâm phạm bản quyền. Để chủ động giải quyết vấn đề này, Vụ Thư viện đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động sự hỗ trợ từ nhiều cá nhân, đơn vị. Tốc độ triển khai nhiệm vụ về chuyển đổi số cũng vì thế diễn ra nhanh hơn.
Thêm vào đó, Vụ Thư viện đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành có liên quan về bố trí nhân lực, vật lực để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hoàn thiện chuyển đổi số. Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng nêu rõ :“Trước mắt, chúng tôi đang nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, lựa chọn các giải pháp công nghệ số phù hợp. Tiến độ triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra theo đúng lộ trình được các cấp lãnh đạo phê duyệt”.
Ngoài về hạ tầng, đứng ở ở góc độ chuyên gia, nguyên Vụ trưởng Vũ Dương Thúy Ngà còn đề xuất khi thực hiện chuyển đổi số, các thư viện phải đảm bảo yếu tố chất lượng nội dung. Chỉ khi hấp dẫn, bạn đọc mới tìm đến. “Trước mắt, ngành thư viện cần tập trung thúc đẩy mạnh các dự án số hóa tài liệu, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới, tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở. Đồng thời, các thư viện có thể phối hợp để xây dựng mục lục liên hợp phản ánh tài liệu dùng chung. Thêm vào đó, số hóa thư viện nên đi theo hướng tăng cường dịch vụ thông tin chuyên đề, đổi mới dịch vụ thông tin thư viện theo hướng cung cấp thông tin, tri thức theo yêu cầu”.
Theo Báo văn hóa