Google search engine
HomeThư viện 4.0Đẩy mạnh học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng

Đẩy mạnh học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng

Ngày 15/6, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã chủ trì tổ chức hội thảo phục vụ xây dựng đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030”.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Sở quản lý văn hoá, thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa các tỉnh, thành phố, lực lượng CAND, QĐND.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”, giao Bộ VH-TT&DL xây dựng đề án thành phần “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ”.

Sau 7 năm thực hiện đề án, các địa phương đã không ngừng cố gắng, nỗ lực, phát huy các nguồn lực triển khai nhiều hoạt động giáo dục, học tập, phục vụ học tập và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động giáo dục, học tập được tổ chức trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ để đẩy mạnh việc học tập suốt đời của mọi người dân.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030”, giao Bộ VH-TT&DL xây dựng đề án thành phần “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ đến năm 2030”.

Hội thảo lần này là dịp các cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đánh giá thực tiễn quá trình thực hiện đề án giai đoạn 2014 – 2020,  đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và tiếp tục thực hiện đề án đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ vào Quý IV năm 2022.

Hệ thống thư viện trong CAND được quan tâm đầu tư, đổi mới phương thức hoạt động.

Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết, những năm qua, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo ngành VH-TT&DL các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn để tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở với các mục tiêu, giải pháp thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương. Bộ cũng đã ký kết và phối hợp triển khai nhiều chương trình công tác hiệu quả với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều tổ chức, đơn vị trên cả nước.

Trong đó, Bộ Công an đã triển khai hiệu quả trong toàn lực lượng kế hoạch của Bộ về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trong CAND. Bộ Công an cũng đã ban hành 2 Chỉ thị về thư viện và bảo tàng, có kế hoạch riêng về “Phát triển văn hóa đọc trong CAND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, phê duyệt đề án “Thành lập Thư viện CAND”.

Hệ thống thư viện bước đầu được xây dựng từ cơ quan Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, bao gồm 48 thư viện thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Công an,  60 thư viện trong các cơ sở giam giữ, 10 thư viện thuộc các học viện, trường CAND; 63 thư viện Công an tỉnh, thành phố. Ngoài ra còn có các thư viện, phòng đọc thuộc Công an huyện, thị xã, thành phố.

Bộ Công an đã chỉ đạo tổ chức phục hồi, xây dựng tôn tạo, đưa vào khai thác phát huy giá trị các khu di tích, khu lưu niệm CAND. Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị đã triển khai Chương trình phối hợp công tác với Vụ Thư viện trong việc đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong hệ thống thư viện CAND giai đoạn 2016 – 2021; tăng cường sự phối hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng cơ chế, chính sách để các thư viện trong CAND hoạt động bền vững; đôn đốc, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ CAND tham gia học tập, nghiên cứu, mượn tài liệu qua luân chuyển sách, sử dụng dịch vụ tại các thư viện công cộng…

Hệ thống thư viện trong CAND cùng với hệ thống thư viện cả nước đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, góp phần từng bước chấn hưng và phát triển mạnh mẽ văn hoá đọc.

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, những năm qua, các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động học tập suốt đời của người dân. Hệ thống bảo tàng với 188 bảo tàng công lập và tư nhân được phát huy, đổi mới hoạt động, thu hút đông đảo khách tham quan. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế như hoạt động đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa chưa thực sự được quan tâm đúng mức nhất là các thiết chế ở cấp huyện và cấp xã.

Nhận thức của lãnh đạo một số địa phương, bộ, ngành về vai trò của các thiết chế văn hóa đối với xã hội và đối với việc xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy học tập suốt đời còn hạn chế, dẫn đến việc quan tâm và đầu tư cho hoạt động còn nhiều bất cập. Một số địa phương, Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh chưa được quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng, hoặc bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng, hoặc không có trụ sở hoạt động đúng chức năng…

Để đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế chính sách, củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Bên cạnh đó, cần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hiệu quả mô hình học tập suốt đời, tăng cường hợp tác quốc tế và xã hội hóa trong tổ chức các hoạt động phục vụ người dân…

(theo https://cand.com.vn/)

- Advertisement -
Bài viết liên quan

Phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới nhất