Google search engine
HomeThư viện 4.0Vai trò của cán bộ thư viện trong kỷ nguyên số

Vai trò của cán bộ thư viện trong kỷ nguyên số

Kỷ nguyên số với nền tảng công nghệ số hóa sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực thông tin – thư viện. Theo đó, thư viện số trở thành phương thức hoạt động chủ yếu của thư viện tại các cơ sở giáo dục đại học. Một trong những thách thức của việc phát triển mô hình này tại các cơ sở giáo dục là đội ngũ cán bộ thư viện, bao gồm cả cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ cán bộ thư viện tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay.

Cán bộ trong thư viện 4.0

Công tác đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề được các cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ thư viện quan tâm hàng đầu nhằm cung cấp nguồn nhân lực bảo đảm trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cần khẳng định rằng, ngay trong mô hình thư viện truyền thống, đội ngũ cán bộ thư viện đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định chất lượng, hiệu quả của công tác thư viện. Còn trong kỷ nguyên số, để vận hành hoạt động mô hình thư viện số, vai trò của cán bộ thư viện càng quan trọng và có giá trị hơn, thể hiện trên các mặt sau đây:

Trong kỷ nguyên số, cán bộ thư viện là người trực tiếp điều hành và thực hiện các tác nghiệp thư viện từ bổ sung tài liệu, xử lý kỹ thuật tài liệu, tổ chức kho dữ liệu và hệ thống máy tra cứu đến tổ chức hệ thống phục vụ người dùng hay tổng hợp, kiểm kê, thống kê… các số liệu và dữ liệu của hoạt động thư viện. Vai trò này không hề mới bởi lẽ nó cũng được thể hiện rất rõ trong mô hình thư viện truyền thống.

Tuy nhiên, trong mô hình thư viện số, bằng các kỹ năng tin học cũng như những kiến thức về quản trị mạng và internet, cán bộ thư viện sẽ phải tổ chức, sắp xếp và hệ thống hóa, số hóa các tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi để người dùng khai thác, sử dụng hệ thống tài liệu số của thư viện thông qua các cơ sở dữ liệu, các bộ sưu tập số một cách dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả.

 

Với vai trò đóng góp vào sự đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục đại học trong kỷ nguyên số, cán bộ thư viện là người giới thiệu, cung cấp nguồn thông tin đa dạng và hỗ trợ tối đa cho người dùng. Lúc này, vai trò của cán bộ thư viện không dừng ở chỗ vào kho lấy tài liệu phục vụ theo yêu cầu của người dùng mà còn hướng dẫn cách tra cứu cũng như định hướng, gợi mở, cập nhật thông tin mới dựa trên nhu cầu của người dùng.

Vai trò của cán bộ thư viện còn được thể hiện rõ nét trong việc sàng lọc thông tin cung cấp cho người dùng. Bởi lẽ, trong quá trình tổ chức, sắp xếp, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu số, bằng chính nghiệp vụ kiểm định cá nhân, chính cán bộ thư viện sẽ giúp người dùng nhận diện và tiếp cận các nguồn thông tin trong không gian thông tin rộng lớn từ internet.

Đặc biệt, trong xã hội thông tin phát triển nhanh như vũ bão hiện nay, để khai thác đúng quy định và sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu khổng lồ, cán bộ thư viện phải phát huy tối đa vai trò của mình thông qua việc khai thác, xử lý nguồn thông tin bằng tiếng nước ngoài một cách hiệu quả; hiểu biết về pháp luật liên quan đến lĩnh vực xuất bản (Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng… ). Nói cách khác, các thách thức về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu hay môi trường thư viện hiện đại đòi hỏi đội ngũ cán bộ thư viện phải không ngừng đổi mới, nâng cao trình độ, năng lực quản lý cũng như nghiệp vụ bên cạnh các nghiệp vụ thư viện thông thường.

Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên số có sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu đọc, văn hóa đọc của người dùng với nhiều cách thức, hình thức phong phú như đọc truyền thống, đọc hiện đại, đọc qua mạng internet… Vì vậy, cán bộ thư viện chính là người động viên nuôi dưỡng thói quen và hứng thú đọc sách cho người dùng.

Những nội dung trên cho thấy, để phát huy tối đa vai trò của đội ngũ cán bộ thư viện tại các cơ sở giáo dục đại học, một trong những điều kiện tiên quyết là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện năng động, sáng tạo và hiểu biết các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin. Ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ thư viện cần hình thành tư duy năng động và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để vận hành mô hình thư viện số một cách thành thạo, nhanh chóng, thuận lợi với người dùng.

Mỗi cán bộ thư viện cũng cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ để phục vụ cho việc khai thác, xử lý nguồn tin bằng tiếng nước ngoài một cách hiệu quả. Cần ứng dụng khoa học – công nghệ để giảm tải công việc, cải tiến quy trình và quản lý chuyên nghiệp. Mở rộng hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế về lĩnh vực thông tin thư viện để nắm bắt nhanh hơn các xu hướng phát triển và tranh thủ nguồn lực, cơ hội để trao đổi tài liệu, kinh nghiệm tổ chức, quản lý thư viện hiện đại, đào tạo chuyên gia thông qua các dự án quốc tế. Những vấn đề này không chỉ thuộc về sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân cán bộ thư viện, mà còn cần sự tham gia, vào cuộc của các nhà quản lí, lãnh đạo trong định hướng phát triển, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thế giới đã và đang bước vào nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin, vì vậy mô hình thư viện số ngày càng trở nên cần thiết. Với xu hướng toàn cầu hóa, các thư viện khu vực và thế giới sẽ liên kết vào mạng thư viện toàn cầu nhằm tăng cường tính chia sẻ, khả năng khai thác thông tin phục vụ cho mọi người dân ở mọi quốc gia, dân tộc. Số hóa thư viện và nâng cao vai trò của cán bộ thư viện là hướng đi tất yếu đối với thư viện đại học trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay.

GS.TS Trần Minh Hưởng

Bài viết liên quan

Phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới nhất