Trong khi với học sinh các trường học ở khu vực thành phố, huyện đồng bằng, mô hình thư viện xanh đã khá quen thuộc từ nhiều năm nay. Thì ở khu vực miền núi, đặc biệt là các trường học ở vùng cao xứ Thanh, thư viện xanh đang được xây dựng, đi vào hoạt động, mang đến cho học sinh một không gian đọc sách mở với những trải nghiệm thích thú cùng sách.
Cách trung tâm huyện hơn 13km, Trường Tiểu học (TH) Thanh Xuân là một trong những trường TH còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Quan Hóa. Vậy nhưng sau nhiều nỗ lực, năm 2020 thư viện xanh Trường TH Thanh Xuân cũng đi vào hoạt động để phục vụ học sinh đọc sách. Đến nay, sau 3 năm thư viện xanh đã thực sự là không gian văn hóa đọc – giải trí yêu thích của các bạn nhỏ ở Trường TH Thanh Xuân sau những giờ học trên lớp.
Có mặt tại Trường TH Thanh Xuân, tôi cảm nhận rõ hơn niềm vui được làm bạn với sách của những đứa trẻ vùng cao nơi đây. Sau tiếng trống báo hiệu ra chơi, các em ùa ra thư viện xanh của nhà trường để tìm đọc những cuốn sách mà mình yêu thích. Khi tiếng trống vào lớp vang lên, các em lại nhanh chóng tự giác mang sách về vị trí ban đầu. Cô giáo Hà My cho biết: “Học sinh nhà trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn nên việc bố mẹ mua sách (tham khảo, văn học, truyện tranh…) cho các em đọc là rất ít. Các em cũng không có máy tính, điện thoại nên sách thực sự là những người bạn quý. Kể từ khi thư viện xanh được xây dựng đã mang đến cho thầy và trò nhà trường không gian văn hóa đọc nhiều niềm vui”.
Điều đáng nói, Trường TH Thanh Xuân không chỉ có 1 mà có đến 4 thư viện xanh. Thầy giáo Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ngoài điểm trường chính, TH Thanh Xuân có 3 điểm trường lẻ. Trong đó, xa nhất là điểm trường bản Giá cách điểm trường chính 12 km và điểm trường bản Vui cách hơn 9 km. Đây cũng là hai bản đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Thái sinh sống. Cũng bởi đời sống người dân còn khó khăn nên nhiều kỹ năng của trẻ em khá hạn chế, như việc đánh vần, đọc, viết tiếng Việt. Vì thế, việc xây dựng mô hình thư viện xanh ở các điểm trường không chỉ khơi gợi, tập cho các em học sinh thói quen đọc sách, từ đó rèn luyện kỹ năng đọc, nói tiếng Việt. Ngôn ngữ là “chìa khóa” mở ra cánh cửa tri thức, muốn phát triển ngôn ngữ thì phải rèn luyện thói quen đọc sách. Chính vì thế, trong năm 2020 nhà trường nỗ lực để cả 4 điểm trường đều có thư viện xanh nhằm phục vụ việc đọc cho học sinh”.
Theo thầy giáo Đặng Xuân Viên, sách tại thư viện xanh nhà trường được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó phần lớn là sách được Thư viện tỉnh, các nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện dành tặng cho nhà trường. “Do hoàn cảnh các em học sinh phần lớn đều khó khăn, gia đình thiếu sách nên để tạo điều kiện cho các em thỏa mãn nhu cầu đọc, nhà trường còn cho các em mượn sách về đọc tại nhà. Dù thực tế, việc cho học sinh mượn sách về nhà dễ dẫn đến chuyện “thất thoát” sách. Tuy nhiên, nghĩ đến nguyên do các em “quên” chưa trả vì để ở nhà người thân trong gia đình cùng đọc, hay mang sách lên nương khi đi làm rồi quên mang về thì tôi lại thấy… vui. Bởi suy cho cùng, tạo được thói quen đọc sách cho học sinh là điều đáng quý, lan tỏa được thói quen đọc sách đến cả người dân còn quý hơn”, thầy giáo Đặng Xuân Viên vui vẻ cho biết.
Xác định thư viện xanh là cần thiết cho việc đọc sách của học sinh, mới đây sau nhiều cố gắng, mô hình thư viện xanh của thầy và trò Trường TH Trung Lý 1 (Mường Lát) cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Thư viện xanh Trường TH Trung Lý 1 được xây dựng với kinh phí hơn 40 triệu đồng từ một phần kinh phí nhà trường và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.
Thầy giáo Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sách tại thư viện xanh Trường TH Trung Lý 1 chủ yếu được các nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện dành tặng với mong muốn các em học sinh được đọc sách nhiều hơn. Đây là sự quan tâm rất đáng trân quý của cộng đồng dành cho học sinh vùng cao nói chung, thầy và trò Trường TH Trung Lý 1 nói riêng. Khi thư viện truyền thống trong nhà trường không gian đọc sách hạn chế thì với thư viện xanh, các em học sinh đọc sách thoải mái hơn rất nhiều. Không chỉ vậy với học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ ngày, thư viện xanh ưu thế về không gian mở giúp học sinh có thể tranh thủ đọc sách tốt hơn”.
Rõ ràng, thư viện xanh trong hệ thống trường học nói chung, thư viện xanh ở các trường TH vùng cao nói riêng đang phát huy tác dụng khá tốt trong việc tạo lập thói quen đọc sách cho bạn nhỏ. Tuy nhiên, việc xây dựng các thư viện xanh ở những trường học nơi vùng đất khó cũng không phải điều dễ dàng. Như bộc bạch của thầy giáo Lê Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường TH Trung Lý 1: “Trường TH Trung Lý 1 cách xa trung tâm huyện Mường Lát. Với địa bàn rộng, ngoài trường chính còn có 8 điểm trường lẻ, việc xây dựng thư viện xanh ở tất cả các điểm trường là điều rất khó. Bởi vậy, tại các điểm trường lẻ nhà trường chỉ có thể cố gắng trang bị các tủ sách ngay trong lớp học. Bên cạnh đó, cũng vì quá nhiều điểm trường trong khi số lượng sách hạn chế nên việc phân bố, bổ sung sách thường xuyên cho các điểm trường gặp nhiều khó khăn”.
Nhìn nhận về mô hình thư viện xanh trong các trường học trên địa bàn huyện Mường Lát, bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết: “Bên cạnh thư viện truyền thống, với không gian mở mô hình thư viện xanh giúp học sinh vùng cao tiếp cận với sách dễ dàng hơn, vì vậy các trường TH trên địa bàn huyện Mường Lát đến thời điểm hiện tại cơ bản đã có thư viện xanh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với các trường học hiện nay chính là còn hạn chế về số lượng sách và thiếu đa dạng về loại hình sách. Hầu hết sách tại các thư viện xanh đều “phụ thuộc” vào việc cho tặng, tài trợ của các nhà hảo tâm, đoàn thiện nguyện theo kiểu “có gì đọc nấy” và so với nhu cầu sách thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Chưa kể, nhiều trường học do địa bàn rộng còn có đến 9, 10 điểm trường lẻ, thực sự rất khó khăn. Để mô hình thư viện xanh trong trường học phát huy hiệu quả, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của nhà nước dành cho việc mua sắm sách, trang thiết bị phục vụ việc đọc của học sinh…”.
Theo Báo Thanh Hóa