Google search engine
HomeVăn hóaCông ty làm thư viện mini hàng nghìn đầu sách cho nhân...

Công ty làm thư viện mini hàng nghìn đầu sách cho nhân viên

Nhằm khuyến khích nhân viên đọc sách, thúc đẩy văn hóa đọc, Một công ty tại Việt Nam xây dựng thư viện với hàng nghìn cuốn đa dạng thể loại.

Từ ngày biết công ty có thư viện mini với đa dạng loại sách, báo, truyện đến tiểu thuyết, Nguyễn Thị Hoài Thương – chuyên viên hành chính tổng hợp thường xuyên lui tới để duy trì thói quen đọc sách. Các tạp chí đặc san – kênh thông tin nội bộ của công ty – cũng dễ dàng được tìm thấy ở đây để chị cập nhật tin tức.

“Tôi còn có thể mượn sách báo đem về đọc tại nhà vào buổi tối hoặc những dịp cuối tuần. Qua đó, tôi không chỉ được nâng cao hiểu biết, cập nhật những kiến thức chuyên ngành, chế độ, chính sách pháp luật mà còn cải thiện đời sống tinh thần, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng”, nữ nhân viên chia sẻ.

Thư viện sách công ty được triển khai xây dựng từ năm 2017, một phần từ nguồn tài trợ của lãnh đạo công ty, một phần do công ty bổ sung, phần còn lại do cán bộ, nhân viên, người lao động đóng góp vào từ những cuốn sách mà họ yêu thích.

Không gian sinh hoạt chung cho nhân viên

Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Truyền thông, phó Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết doanh nghiệp quyết thực hiện mô hình thư viện mini còn để người lao động có không gian sinh hoạt chung, cập nhật bổ sung các kiến thức mới. Đồng thời, đây cũng là góc thư giãn cho người lao động sau những giờ làm việc căng thẳng.

“Ngoài ra, công ty cũng kỳ vọng rằng, thư viện như một lời nhắc nhở về tinh thần học hỏi, trau dồi văn hóa đọc để nhân viên chủ động nâng cao kiến thức, từ đó chuyển biến tích cực trong tác phong và hiệu quả công việc”, bà Hằng nói.

Để đảm bảo tất cả nhân viên có thể tiếp cận hiệu quả với thư viện, sách, báo theo từng nội dung, lĩnh vực được sắp xếp ngăn nắp trên từng kệ. Không gian thư viện được thiết kế khoa học, thoáng mát, yên tĩnh và có đầy đủ bàn, ghế nhằm tạo cho đoàn viên, người lao động cảm giác thoải mái. Thư viện cũng được đặt ở ngay phòng đào tạo của công ty, thuận lợi cho việc tìm kiếm.

Bên cạnh đó, bất kỳ nhân sự mới nào khi vào công ty làm việc đều được đào tạo hội nhập tại phòng đào tạo này. Đây là cơ hội để nhân viên mới được biết, tiếp cận với thư viện của doanh nghiệp.

Sau 6 năm triển khai, từ 200 đầu sách, đến nay mô hình thư viện sách này có khoảng trên dưới 1.000 đầu sách các thể loại, từ lao động, việc làm, sách pháp luật, sách lịch sử, doanh nhân, nuôi dưỡng tâm hồn, các cuốn truyện, tiểu thuyết… thường xuyên được cập nhật.

“Các đầu sách được bổ sung vào thư viện dựa trên các tiêu chí như: thực hiện khảo sát nhu cầu của cán bộ công nhân viên để làm cơ sở; ưu tiên trang bị các đầu sách mới phát hành trong năm; rà soát, bổ sung lại các đầu sách bị thất lạc nếu có…”, phó Chủ tịch Công đoàn công ty này cho hay.

Đồng thời trong năm, thư viện cũng thường xuyên kêu gọi cán bộ công nhân viên tiếp tục đóng góp, chia sẻ các đầu sách hay, tâm đắc cũng như nhắc nhở, thu hồi sách đối với các hoạt động mượn quá hạn.

Hàng năm, vào Ngày sách Việt Nam (21/4), công ty cũng tổ chức các hoạt động nâng cao văn hóa đọc, tổ chức hội chợ sách mini, mời các nhà cung cấp sách đến để cán bộ, nhân viên được tiếp cận, mua những cuốn sách hay với mức giá hợp lý.

Văn hóa đọc giúp thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Hằng nhận định văn hoá đọc trong doanh nghiệp được duy trì tốt sẽ góp phần xây dựng mô hình tổ chức học tập, nâng cao văn hoá doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức.

Bà Hằng cho rằng để hình thành văn hoá đọc ở công ty, doanh nghiệp nên chú trọng tạo ra môi trường thuận lợi cho nhân viên đọc sách, ví dụ như xây dựng thư viện trong công ty, cung cấp sách cho nhân viên…

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thường xuyên tổ chức sự kiện khuyến khích đọc sách như tổ chức tọa đàm, hội thảo về văn hóa đọc, tổ chức thi tìm hiểu sách, nói hoặc viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích, tổ chức chương trình tặng sách cho nhân viên, tạo bảng xếp hạng nhân viên đọc nhiều sách nhất… Những hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức của nhân viên về sách, từ đó thúc đẩy văn hóa đọc trong doanh nghiệp.

“Văn hóa đọc là một quá trình hình thành lâu dài, cần sự nỗ lực của cả doanh nghiệp và nhân viên. Bằng những hành động thiết thực, doanh nghiệp có thể góp phần phát triển văn hóa đọc, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức”, bà chia sẻ.

Bài viết liên quan

Phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới nhất