Google search engine
HomeTiêu điểmChuyển đổi số trong hệ thống thư viện công cộng: Còn nhiều...

Chuyển đổi số trong hệ thống thư viện công cộng: Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành thư viện, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên thời gian qua, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Cán bộ Thư viện tỉnh quản lý sách bạn đọc qua ứng dụng phần mềm Liberty

Ngày 8/8/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Với mục tiêu chung nhằm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện…

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đối với hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh (gồm 1 thư viện tỉnh và 10 thư viện cấp huyện), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai nội dung của kế hoạch.

Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, từ năm 2022, chúng tôi đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc Thư viện tỉnh và trung tâm văn hóa thể thao và truyền thông các huyện, thành phố rà soát, khảo sát thực trạng hoạt động tại các thư viện để có kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc số hóa tài liệu.

Theo đó, ngành chức năng đã tiến hành đánh giá thực trạng triển khai phần mềm quản lý, phần mềm thư viện số của các thư viện công cộng trên địa bàn toàn tỉnh; tích cực phối hợp với các đơn vị thư viện cấp huyện đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người làm công tác thư viện …

Thư viện tỉnh là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện báo cáo về công tác đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống thư viện công cộng. Theo đó, trong tháng 3/2023, Thư viện tỉnh đã phối hợp với đơn vị tư vấn trực tiếp đến 10 điểm thư viện cấp huyện và khảo sát thực tế. Những nội dung được khảo sát gồm: cơ cấu tổ chức của đơn vị chủ quản; hiện trạng cơ sở vật chất; hiện trạng hạ tầng; công nghệ thông tin; nghiệp vụ thư viện… Sau khi tiến hành khảo sát, chúng tôi nhận thấy hệ thống thư viện công cộng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề kinh phí, vì thế, chúng tôi đã đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét và được cho ý kiến về việc xây dựng Đề án triển khai hoạt động này. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành xây dựng đề cương dự toán chi tiết và từng hạng mục công việc cho nhiệm vụ xây dựng đề án.

Qua tổng hợp, thư viện các huyện hiện có 159.608 bản sách, lượng sách luân chuyển là 103.371 lượt. Các thư viện huyện đang gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất đều chưa đảm bảo, các điều kiện phục vụ bạn đọc như: bàn ghế, quạt, ánh sáng… nên không thu hút được người dân tới đọc sách. Số thẻ bạn đọc của các thư viện hiện nay là 166 thẻ, như vậy trung bình mỗi thư viện huyện chưa có đến 20 thẻ bạn đọc.

Ngay tại Thư viện tỉnh, mặc dù đã được trang bị khá đầy đủ về cơ sở vật chất và thực hiện tin học hóa, thiết lập trang web và sử dụng phần mềm quản trị thư viện Liberty trong công tác tra cứu, biên mục, lưu thông tài liệu, cấp thẻ bạn đọc từ năm 2013 nhưng do không được nâng cấp thường xuyên, hiện nay, phần mềm hay bị trục trặc, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Tính an toàn và bảo mật kém; nhiều khi bạn đọc vẫn phải tra cứu thủ công. Không riêng thư viện tỉnh, ở 10 thư viện huyện dù được trang bị 10 bộ máy vi tính (mỗi bộ gồm 10 máy vi tính và 1 máy in)  kết nối Internet và được đầu tư cài đặt phần mềm để quản lý, xử lý kỹ thuật tài liệu từ năm 2013, song hiện nay các thiết bị này đã lạc hậu và hầu như không còn sử dụng được.

Chị Trần Huyền Trang, cán bộ phụ trách Thư viện huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2013, thư viện được trang bị 1 bộ máy vi tính. Tuy nhiên đến nay, các thiết bị này đã hỏng và không thể sử dụng. Đối với công tác theo dõi độc giả, cấp phát thẻ bạn đọc hằng năm, mặc dù được trang bị phần mềm “FoxPro – Chương trình quản lý Thư viện” nhưng do phần mềm xây dựng từ lâu và lạc hậu nên chúng tôi vẫn phải theo dõi bạn đọc trên file excel không theo chuẩn thư viện số hiện đại. Công tác biên mục tài liệu vẫn xử lý thủ công vì phần mềm đang sử dụng nhiều trường hợp bị mất dữ liệu.

Cùng với đó, một số thư viện chưa có trụ sở riêng phải ở tạm, hoặc ghép với các cơ quan tổ chức khác hoặc có trụ sở nhưng diện tích nhỏ hẹp, xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu độc giả… do vậy có thư viện đã phải đóng cửa.

Ông Đoàn Minh Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tràng Định cho biết: Thư viện huyện đã phải tạm đóng cửa ngừng hoạt động từ tháng 6/2021 do không có trụ sở hoạt động, mặt khác, chúng tôi cũng không có kinh phí riêng để duy trì. Trước đây, khi thư viện còn hoạt động thì hầu hết kinh phí đều cân đối từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa. Để khắc phục tình trạng này chúng tôi đã trình UBND huyện về việc xin kinh phí và bố trí trụ sở thư viện huyện từ cuối năm 2019, tại nhiều cuộc họp tôi cũng có đề xuất hoạt động này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, các cấp, ngành liên quan xem xét và có sự quan tâm đúng mức hơn cho hoạt động này.

Được biết, trong 10 thư viện huyện có đến 4 thư viện không có trụ sở và cán bộ chuyên trách (thư viện thành phố Lạng Sơn, Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng). Vì thế mà cả 4 thư viện này đã ngừng hoạt động và không đủ điều kiện triển khai việc chuyển đổi số.

Theo bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, kinh phí được cấp cho thư viện các huyện không ổn định, mức cấp không đảm bảo để thư viện bổ sung sách báo cũng như triển khai các hoạt động chuyên môn khác, để có nguồn sách báo duy trì hoạt động phải dựa vào Chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm và các nguồn biếu tặng khác. Ngoài kinh phí thì một yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số thư viện đó là nguồn nhân lực, hiện nguồn nhân lực tại 10 thư viện huyện hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu. Mỗi thư viện chỉ được bố trí 1 cán bộ trông coi, quản lý. Trong khi, đội ngũ này đa phần là kiêm nhiệm, trình độ ngoại ngữ, tin học còn thấp.

Ông Nguyễn Công Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thông huyện Hữu Lũng cho biết: Hằng năm, chúng tôi đều cử cán bộ phụ trách thư viện tham gia các cuộc tập huấn, hướng dẫn tuyên truyền do đơn vị chuyên môn tổ chức, song do nguồn nhân lực quá mỏng, chỉ có 1 cán bộ phụ trách thư viện mà đầu năm 2023 cán bộ này đã nghỉ hưu nên hiện nay, chúng tôi phải sắp xếp thay cán bộ phụ trách kiêm nhiệm không phải chuyên ngành nghiệp vụ thư viện, dẫn đến công tác quản lý mất nhiều thời gian và công sức của cán bộ.

Từ thực tế trên cho thấy, dù có những giải pháp được thực hiện, nhưng đến nay, những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này vẫn dừng lại “trên giấy” trong khi hệ thống sách và cơ sở vật chất tại các thư viện ngày một xuống cấp. Hơn hết, để tháo gỡ những khó khăn, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống thư viện công cộng thì chỉ sự vào cuộc của một ngành chức năng là chưa đủ, muốn “vực dậy” văn hóa đọc rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trên địa bàn để kho tàng tri thức ở các thư viện không dần bị lãng quên theo thời gian.

Theo Báo Lạng Sơn

Bài viết liên quan

Phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới nhất