Khó khăn về kinh phí, yếu tố con người khi xây dựng thư viện thông minh được nhiều trường học tại TPHCM khắc phục với nhiều giải pháp.
Là đơn vị sớm mạnh dạn triển khai mô hình thư viện thông minh, thư viện Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP. Thủ Đức) hiện có hơn 1.000 đầu học liệu số do giáo viên xây dựng cùng gần 6.000 tài nguyên số được kết nối từ Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, phục vụ đa dạng nhu cầu giảng dạy, học tập, đổi mới giáo dục của trường.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trở ngại lớn nhất khi xây dựng thư viện thông minh không hẳn nằm ở yếu tố công nghệ mà chính yếu là yếu tố con người có sẵn sàng đón nhận và đổi mới không. Lộ trình xây dựng thư viện thông minh được trường quan tâm trước hết là thống nhất trong đội ngũ, phụ huynh, học sinh, chú trọng đến số hóa kho học liệu, bồi dưỡng đội ngũ. Đặc biệt, thư viện thông minh của trường được xây dựng theo hướng đa chức năng, đa nhiệm vụ cho nên các hạng mục được tách ra, sắp xếp thực hiện từng năm theo mức độ, nhu cầu…
“Từ năm học 2018-2019, trong chỉ tiêu chuyên môn trường giao nhiệm vụ cho giáo viên xây dựng những bài giảng điện tử, từng bước số hóa nguồn học liệu lên thư viện. Trường thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng về vận hành, quản lý, nâng cao năng lực số, vận dụng tài nguyên số trong đổi mới dạy học cho giáo viên, nhân viên thư viện. Song song đó, nâng cấp trang thiết bị đường truyền, tích hợp các phần mềm phù hợp trong hệ thống thư viện. Hiện nay, 30 máy tính bảng đã được trang bị trong thư viện phục vụ các hoạt động đổi mới học tập…”, cô Hằng cho hay.
Dù vậy, hiệu trưởng này cho rằng trước khi thư viện trở nên thông minh thì quan trọng nhất phải đưa thư viện trở nên thân thiện, làm sao giúp tận dụng được triệt để không gian, tài nguyên của thư viện để nâng cao hiệu quả dạy học, để học sinh thích thú, hình thành thói quen tự học, nhất là với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ví dụ như tại trường xuất hiện các “lớp học trong thư viện” và “thư viện trong lớp học”. Giáo viên có thể linh động đổi mới không gian khi tổ chức giờ học ở thư viện sao cho phù hợp với hoạt động giáo dục bài học. Hoặc, ngồi ngay tại lớp, thầy trò vẫn có thể truy cập vào thư viện để sử dụng nguồn tài liệu.
Giải pháp xây dựng thư viện thông minh được Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1) chia ra qua nhiều giai đoạn, từng bước đưa thư viện truyền thống tiệm cận với mô hình thư viện thông minh. Trường đã thành lập Ban thư viện trường với các thành viên giỏi tin học, hỗ trợ cho cán bộ thư viện trong thực hiện kế hoạch xây dựng thư viện điện tử. Đội ngũ được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để có thể vận hành đồng bộ với thư viện thông minh.
“Để thư viện thông minh phục vụ tốt hơn nữa các hoạt động giảng dạy phải thu hút được học sinh đến với thư viện, thích thú khi học ở thư viện. Do đó, trường quan tâm để thư viện trở nên thân thiện, sau đó mới đến thông minh”, cô Lê Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Tại Trường TH An Bình (TP.Thủ Đức), quá trình xây dựng thư viện thông minh gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị, năng lực công nghệ thông tin của nhân viên thư viện.
Khắc phục những khó khăn này, cô Phạm Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường đã xây dựng lộ trình phù hợp với nhiều giải pháp hướng đến xây dựng thư viện thông minh. Trong đó, biến thư viện thành thư viện thân thiện với không gian mở, khuyến khích học sinh đến thư viện, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với sách. Không gian thư viện không chỉ để đọc sách mà còn là nơi để học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm; Đẩy mạnh thư viện xanh ngoài trời, mở rộng không gian đọc sách cho học sinh…
Song song đó, trường xây dựng lộ trình tiến tới thư viện thông minh với việc tuyển dụng nhân viên thư viện, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của đội ngũ, phụ huynh, học sinh về trường học thông minh; phát triển thư viện thông minh trong giai đoạn 2…
“Thư viện thông minh đòi hỏi sự đầu tư bài bản từ cơ sở vật chất cho đến trang thiết bị, phương pháp hoạt động, quản lý. Để thư viện thông minh thì trước hết phải là thư viện thân thiện, thư viện xanh, hoàn thiện về cơ sở vật chất và con người. Dịch COVID-19 được xem là cơ hội để trường đẩy mạnh lộ trình xây dựng thư viện thông minh khi giáo viên mạnh dạn hơn trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học”, Hiệu trưởng Phạm Thị Thùy Trang nhìn nhận.
Theo Báo Phụ Nữ Online