Google search engine
HomeTin tứcĐưa sách đến gần hơn bạn đọc

Đưa sách đến gần hơn bạn đọc

Bằng những hoạt động thiết thực như: phục vụ lưu động tại các trường học; trao tặng hàng trăm đầu sách mới cho các trường học và các thiết chế văn hóa cơ sở; tổ chức nhiều cuộc thi đọc sách…, các cá nhân, đơn vị, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần đưa sách đến gần hơn với bạn đọc.

Các em học sinh Trường tiểu học Cao Bá Quát (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) đọc sách do Thư viện tỉnh phục vụ lưu động năm 2022.

Trong thời đại số, duy trì và phát triển văn hóa đọc chính là cách để mỗi người tích lũy thêm tri thức, chung sức xây dựng và phát triển xã hội học tập.

* Không để sách nằm im…

Phòng Đọc tiếng Chăm tại Thánh đường Hồi giáo Islah, xã Bình Sơn (H.Long Thành) mặc dù mới đi vào hoạt động song thu hút khá đông học sinh là con em đồng bào Chăm đến đọc sách. Ở đây, phòng đọc khá rộng rãi, nhiều loại sách, báo, tài liệu được các đơn vị, tổ chức và thư viện trao tặng, được trưng bày và phục vụ cho nhiều đối tượng.

Em Mohamad Karim cho biết: “Trước khi có phòng đọc, em thường xuyên đến Thánh đường Hồi giáo Islah để học tiếng Chăm cùng với thầy Đô Hô Sên. Từ hơn 1 tháng nay, ngoài học chữ, em còn cùng với các bạn đọc sách, báo rất thú vị. Phòng đọc có đầy đủ các sách dành cho lứa tuổi học sinh, vừa giúp nâng cao kiến thức, vừa đỡ tốn tiền mua sách”.

Từ đầu năm đến nay, Thư viện Đồng Nai cấp hơn 9,3 ngàn thẻ đọc (tại thư viện 595 thẻ, ngoài thư viện hơn 8,7 ngàn thẻ). Phục vụ gần 257 ngàn lượt độc giả tại thư viện và phục vụ lưu động về cơ sở; lưu hành gần 790 ngàn lượt sách báo.

Theo chị Cao Thị Bảo Trung, cán bộ phụ trách Thư viện H.Long Thành, để đưa sách đến gần với con em đồng bào dân tộc, thư viện đã trao tặng gần 400 bản sách, báo, tạp chí cho phòng đọc tiếng Chăm. Cùng với đó, thư viện huyện cũng thường xuyên luân chuyển sách về bưu điện văn hóa xã, các nhà văn hóa ấp, khu phố; tạo sự tương tác với bạn đọc thông qua các hội thi đọc sách, kể chuyện theo sách hè, vẽ tranh theo sách… Nhờ vậy đã tác động tích cực đến thói quen đọc sách của nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau.

Không để sách nằm im một chỗ, nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh chọn cách trao tặng sách cho thư viện hoặc cho học sinh, sinh viên yêu thích đọc sách. Trong đó có PGS-TS Huỳnh Văn Tới, nhà văn Nguyễn Thái Hải, bạn đọc Huỳnh Phi Long (TP.Biên Hòa), anh Nguyễn Thanh Hoài (H.Vĩnh Cửu)… Tại các trường học, nhiều mô hình đưa sách đến gần với bạn đọc được xây dựng như: tủ sách lớp học, tủ sách sân trường, mô hình thư viện xanh. Đặc biệt, nhiều trường đã vận động phụ huynh, học sinh trao tặng sách cho thư viện nhà trường.

Hiệu trưởng Trường THCS Phú Đông (xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch) Lê Hữu Tài cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nhà trường đã vận động học sinh trao tặng sách giáo khoa cũ không sử dụng cho thư viện. Nhà trường đã thu được gần 300 đầu sách (gồm sách giáo khoa và sách tham khảo). Đây là nguồn sách quý để bổ sung vào thư viện, góp phần phục vụ nhu cầu đọc và tham khảo tài liệu cho học sinh và giáo viên”.

Hay tại các khu nhà trọ văn hóa, Sở VH-TTDL cũng đã chủ động phối hợp với địa phương và chủ nhà trọ để trao tặng hàng chục tủ sách văn hóa, pháp luật, gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; vận động các gia đình xây dựng mô hình tủ sách gia đình… Đây là những cố gắng của những người làm công tác văn hóa trong nỗ lực đưa sách đi tìm người, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

* Nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc

Để nâng cao năng lực phục vụ bạn đọc trên địa bàn, Thư viện Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số như: xây dựng các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số tích hợp; bạn đọc có thể mượn, trả sách điện tử, đọc sách số trên mạng. Đến nay, thư viện đã thực hiện hơn 100 clip giới thiệu sách, tin tức với hàng trăm ngàn lượt xem. Nguồn tài nguyên số của Thư viện Đồng Nai là gần 15 ngàn (trên 4,7 ngàn tài liệu, tạp chí, bản đồ số hóa và 10 ngàn ebook), thư viện các huyện, thành phố sở hữu gần 6 ngàn tài liệu số hóa các loại.

Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho hay, trong thời gian tới, thư viện sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án số hóa thư viện, duy trì phát triển thư viện điện tử; kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa thư viện tỉnh với thư viện 11 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, thư viện tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các tiện ích trực tuyến, lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện. Từ đó, đưa sách, báo, tạp chí đến gần hơn với người dân, phục vụ bạn đọc ở mọi lúc, mọi nơi.

Theo Báo Đồng Nai

- Advertisement -
Bài viết liên quan

Phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới nhất