Thư viện trường đại học (ĐH) phải có phòng đọc chung, phòng đọc chuyên ngành, phòng học nhóm… Tổng diện tích các phòng đọc phải bảo đảm ít nhất 200 m2, mỗi giáo trình có ít nhất 50 bản sách/1.000 sinh viên của chuyên ngành đào tạo…
Đó là những quy định được nêu ra trong dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn thư viện trường ĐH do Bộ GD-ĐT vừa công bố để lấy ý kiến đóng góp.
Tổng diện tích phòng đọc ít nhất 200m2
Theo đó, thông tư này nêu các tiêu chuẩn về tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng, hoạt động thư và quản lý thư viện, áp dụng đối với các cơ sở giáo dục ĐH, các cơ sở giáo dục được phép đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, thư viện phải có đủ loại hình tài nguyên thông tin giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liệu nội sinh, tài nguyên thông tin số phù hợp với mỗi chuyên ngành đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH. Mỗi học phần có ít nhất một giáo trình là tài liệu chính dùng cho giảng viên, người học trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu học phần.
Với mỗi tên giáo trình có ít nhất 50 bản sách/1.000 sinh viên của chuyên ngành đào tạo; với mỗi tên tài liệu tham khảo có ít nhất 25 bản sách/1.000 sinh viên của chuyên ngành đào tạo; tài nguyên thông tin số bảo đảm các quy định về sở hữu trí tuệ, được số hóa với tỷ lệ 100% giáo trình, 50% tài liệu tham khảo, 100% tài liệu nội sinh.
Tổng diện tích thư viện được xác định theo quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm diện tích các khu chức năng (không gian đọc, các khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin, tra cứu, mượn trả, trưng bày, phòng diễn giảng…) và các diện tích phụ trợ (sảnh, hành lang, cầu thang, khu vệ sinh và các phòng kỹ thuật).
Không gian đọc bao gồm các phòng đọc và không gian mở. Tổng số chỗ trong các phòng đọc bảo đảm định mức 2,4m2/1 chỗ (không bao gồm không gian mở). Tùy theo lĩnh vực đào tạo, từng cơ sở bố trí các phòng đọc và số chỗ ngồi hợp lý, nhưng phải bảo đảm tổng diện tích các phòng đọc là ít nhất 200 m2.
Thư viện phải có phòng đọc chung là phòng đọc dùng chung dành cho người sử dụng thư viện học tập, nghiên cứu; phòng đọc chuyên ngành dành cho người sử dụng thư viện học tập, nghiên cứu chuyên sâu theo lĩnh vực; phòng học nhóm dành cho người sử dụng thư viện trao đổi, thảo luận theo nhóm và phòng đa phương tiện được trang bị các thiết bị chuyên dùng để khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin số có định dạng nội dung khác nhau như văn bản, audio, hình ảnh, hoạt hình, video.
Không gian mở là không gian ngoài các phòng đọc, được bố trí trong khuôn viên trường và được trang bị các thiết bị chuyên dùng tạo sự tiện nghi, linh hoạt trong khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện.
Khu vực lưu trữ tài nguyên thông tin dạng xuất bản phẩm bảo đảm diện tích kho đóng 2,5 m2/1.000 bản sách, kho mở 4,5 m2/1.000 bản sách.
Không nên máy móc, cần linh hoạt
Chia sẻ về dự thảo trên, ông Võ Khôi Thọ, Giám đốc Thư viện Trường ĐH Tài chính-Marketing, nhìn nhận: “Nếu các trường làm đúng theo quy định về những con số đưa ra thì hơi máy móc. Chẳng hạn, một số trường ĐH có tới 2, 3 cơ sở và mỗi cơ sở đều phải có tổng diện tích phòng đọc là 200m2 thì rất khó thực hiện. Phòng đọc diện tích bao nhiêu còn phụ thuộc vào số lượng sinh viên cơ sở đó, đối tượng, nhu cầu sử dụng thư viện của từng cơ sở”.
Theo ông Thọ, có cơ sở chỉ dành riêng cho hợp tác quốc tế, số lượng sinh viên ít hơn, thì diện tích cũng sẽ nhỏ hơn. Có cơ sở thư viện lại lên tới hàng ngàn m2 chứ không phải là 200 m2. “Vì thế, việc xây dựng không gian thư viện với diện tích bao nhiêu còn phụ thuộc vào số lượng, nhu cầu sử dụng của sinh viên mỗi trường, tránh trường hợp xây to nhưng lại không tận dụng hết, rất lãng phí. Còn việc số hóa và liên thông tài nguyên thông tin với các thư viện trường khác là điều nên làm và cần thiết”, ông Thọ chia sẻ thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Hà, Giám đốc Trung tâm thông tin-thư viện Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho rằng tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu sử dụng của sinh viên của mỗi trường để xây dựng thư viện, miễn sao tạo được không gian cho sinh viên học tập, nghiên cứu, giải trí sau giờ lên lớp.
“Hiện thư viện của trường có diện tích sử dụng là 1.700 m2 gồm 4 tầng, với 450 chỗ ngồi để đọc sách, học nhóm… Các trường có thể đầu tư xây dựng thư viện linh hoạt, phù hợp, căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng cơ sở, của từng đối tượng thụ hưởng, chứ không nhất thiết phải theo một con số cụ thể. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng có nơi thì lãng phí do không sử dụng hết, có nơi lại quá tải”, thạc sĩ Thúy Hà nêu quan điểm.
Phát triển thư viện số đảm bảo về sở hữu trí tuệ
Dự thảo còn đề cập đến việc phát triển thư viện số với tiêu chí là tính tương thích, kết nối được với cơ sở dữ liệu tài nguyên thông tin, tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, bảo đảm các quy định về sở hữu trí tuệ. Thư viện số được khai thác bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cơ sở dữ liệu và quản lý quyền truy cập của các tài khoản.
Ngoài ra, thông tư cũng nói đến vấn đề nguyên tắc liên thông thư viện. Cụ thể các thư viện của các trường ĐH có thể liên thông với nhau trên cơ sở tự nguyện kết nối, chia sẻ, đóng góp tài nguyên thông tin dùng chung nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Khi liên thông tài nguyên thông tin số phải có hạ tầng công nghệ thông tin tương thích, có nhân lực để đáp ứng, vận hành, khai thác, chia sẻ, đảm bảo quản lý và sử dụng tài nguyên thông tin liên thông đúng mục đích, hiệu quả.
Theo báo Thanh niên