Em Tiêu Ngọc Thúy – sinh viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Đồng Tháp đã vượt qua hàng ngàn thí sinh trong cả nước để vinh dự 2 năm liên tiếp đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Qua đó, góp phần tạo sức lan tỏa văn hóa đọc trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn Đại sứ Văn hóa đọc của Đất Sen hồng.
PV: 2 năm liên tiếp đoạt giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc toàn quốc, mang thành tích về cho tỉnh Đồng Tháp, em hãy chia sẻ về cảm xúc của mình lúc này?
Em Tiêu Ngọc Thúy: Nếu có 2 từ để diễn tả cảm xúc lúc hay tin đạt giải Khuyến khích toàn quốc Đại sứ Văn hóa đọc lần 2 thì sẽ là “hài lòng”. Em rất hài lòng vì ý tưởng của mình đã được công nhận. Ngay từ lúc nhận thông báo phát động cuộc thi, một câu nói luôn bên tai: “Đây là cơ hội để chia sẻ!”. Đơn giản là muốn chia sẻ hết lòng ý tưởng của mình mà không nghĩ nhiều đến giải thưởng hay lo sợ thất bại sau cái bóng Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020. Với lý do ấy, em nỗ lực rất nhiều để truyền tải thông điệp trong bài dự thi, mong muốn lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng qua những con chữ và minh họa rõ ràng.
Bên cạnh đó, cố vấn là thầy Nguyễn Văn Nghiêm – Trưởng Phòng Thông tin và Truyền thông (Đại học Đồng Tháp) cũng hướng dẫn nhiệt tình, chỉ ra những điểm cần phát triển và điểm chưa phù hợp để bài dự thi được hoàn thiện nhất. Đúng thật kết quả hôm nay là thành quả nỗ lực của hôm qua, như câu nói tiếng Anh mà em tâm đắc nhất: “Hard work pays off” – Một khi nỗ lực, sẽ được đền đáp.
PV: Là sinh viên bận khá nhiều với việc học tập, hằng ngày, em sắp xếp dành thời gian đọc sách bao nhiêu giờ?
Em Tiêu Ngọc Thúy: Em dành thời gian đọc sách khoảng từ 1 – 2 giờ. Đối với em, sinh viên là những người giàu thời gian nhất. Thời gian dành cho một việc phụ thuộc vào sự ưu tiên của chúng ta đối với việc đó. Với em, em ưu tiên việc đọc sách, nên đọc sách vào mỗi buổi sáng và tối. Khi học hay làm bài xong sớm thì đọc, bất cứ lúc nào rảnh sẽ không để thời gian chết, mà bù vào đó là đọc sách.
PV: Vậy, em hãy chia sẻ kinh nghiệm về cách thức đọc sách mang lại hiệu quả?
Em Tiêu Ngọc Thúy: Đối với em, có vài điều nên thực hiện để đọc sách một cách hiệu quả như chọn môi trường đọc sách yên tĩnh hoặc có nhạc nhỏ, nhẹ nhàng. Điện thoại cài đặt chế độ yên lặng và cất khỏi tầm mắt.
Đối với người bận rộn, đọc lướt, nắm ý chính là một cách tốt để thu nạp kiến thức cốt lõi, nhưng đối với em, đọc sách thì nên toàn tâm, đọc sâu và chậm để tưởng tượng gợi cảm xúc sẽ tốt hơn, vì theo tâm lý học, nếu trong quá trình làm một việc gắn với cảm xúc mạnh mẽ hoặc lạ, cảm xúc ấy sẽ giúp não ta lưu giữ thông tin lâu hơn. Bên cạnh đó, sau khi đọc một đoạn, một chương sách, hay là một mảng thông tin nhỏ, ta nên nhớ lại (recall) thông tin đã đọc bằng cách hiểu của chính mình để tránh việc sau khi đọc cả quyển sách, thông tin đọng lại không đáng kể, sẽ không phát huy lợi ích tối đa của việc đọc sách.
PV: Nếu được chia sẻ với mọi người về niềm đam mê đọc sách, em sẽ chia sẻ về điều gì?
Em Tiêu Ngọc Thúy: Đam mê có thể là cảm xúc hứng khởi, nhiệt huyết khi làm gì đó, đam mê có thể là hành động miệt mài hằng giờ, biểu hiện của đam mê đọc sách chính là duy trì đọc mỗi ngày với một niềm vui và cảm giác tò mò, cảm giác “a ha” khi hiểu được điều mới. Nếu bạn nghe một diễn giả nói về lợi ích của việc đọc sách, bạn thấy rất hào hứng thì hãy bắt đầu ngay mà không cần chọn lựa quá tỉ mỉ, ngọn lửa đam mê sẽ được thắp lên. Đam mê đọc sách không phải là mọt sách với cặp kính dày cộm nằm hằng giờ đọc sách bỏ ăn uống, đam mê đọc chỉ đơn thuần là bạn có một đặc ân tìm được những tinh hoa của những chuyên gia đúc kết lại, bạn học từ kinh nghiệm của người khác, bạn được giải trí lành mạnh không hại thân hay hại ai.
Hãy lấy giấy ra và điền vào công thức: “Tôi sẽ đọc sách từ [giờ] đến [giờ] tại [nơi]. Tôi sẽ thực hiện vì một phiên bản tốt hơn của chính tôi”. Công thức này, em học từ sách Atomic Habits, James Clear, nó đã giúp duy trì được nhiều thói quen tốt.
PV: 2 lần liên tục đoạt giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa toàn quốc, chắc hẳn em đã có nhiều kinh nghiệm dự thi?
Em Tiêu Ngọc Thúy: Một bài học em đúc kết được sau 2 lần dự thi, đó là ngoài đầu tư vào nội dung, ý tưởng, câu cú, hãy đầu tư vào hình thức. Lần thi đầu tiên, em đã dành rất nhiều thời gian để thiết kế, chọn ảnh, phối màu. Em tin đó là cách để bài thi tạo ấn tượng và giữ được sự chú ý của giám khảo. Khi nhận giải Khuyến khích toàn quốc ở Hà Nội, có một không gian trước sảnh để trưng bày bài dự thi, đó là nơi đặt những bài dự thi được đầu tư công phu về hình thức. Qua lần thi thứ 2, em tin việc đầu tư vào hình thức là đúng.
Việc chọn lựa sách cũng rất quan trọng. Chúng ta không nên chọn quyển sách quá đình đám, bán chạy, giới thiệu quyển sách ấy giảm đi tính riêng biệt và tính gợi sự tò mò. Khi quyển sách quá quen thuộc thì có thể dẫn đến việc bị trùng, khi đó giám khảo xem kỹ cách khai thác tác phẩm theo chiều hướng khác, giám khảo sẽ đòi hỏi tính mới trong bài.
Bên cạnh đó, chú trọng vào câu 2 là biện pháp khuyến đọc, đây là câu hỏi quan trọng mang lại giá trị cao cho bài, thể hiện sự đóng góp của bản thân đối với văn hóa đọc. Vậy nên, ngoài việc đưa ra biện pháp khả thi, sáng tạo, chúng ta nên phân tích kỹ và đưa ra dẫn chứng thiết thực, hình ảnh minh họa liên quan, đáng tin cậy để nêu lên ý tưởng của mình. Cuối bài, thêm danh mục tài liệu tham khảo sẽ tăng độ thuyết phục, phải nên “nói có sách, mách có chứng”.
PV: Vậy, theo em, làm gì để có thể đoạt giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp tỉnh cũng như toàn quốc?
Ngoài kinh nghiệm đã chia sẻ, em nghĩ chìa khóa cốt lõi để đạt giải chính là “đầu tư”. Phần lớn các bạn sinh viên đồng trang lứa, vì nhiều lý do mà không có thời gian làm bài, thế nên các bạn chỉ đảm bảo hoàn thành bài nên rất hiếm khi đạt giải. Các bạn đạt giải đã phải bỏ công sức và thời gian rất nhiều để làm bài, để đầu tư vào hình thức. Đầu tư là chọn hình ảnh phù hợp, đọc bài kiểm tra câu cú, chính tả kỹ càng, đầu tư còn là đọc sách mỗi ngày, gia tăng vốn từ và cảm xúc để dự thi, là “hoàn thành tốt” hết sức của mình, chứ không chỉ “hoàn thành”.
PV: Xin cảm ơn em đã trả lời phỏng vấn!