Khác nhiều người lo lắng, sốt ruột cho rằng giới trẻ – học sinh, sinh viên thờ ơ với sách, với văn hóa đọc, tôi lại tin lớp độc giả này mới là những đại cử tri quyết định các hình thức cũng chất lượng của sự đọc hiện nay ở Việt Nam.
Tầm quan trọng của điểm sách và tranh luận xoay quanh về sách
Lâu nay, dường như chúng ta chỉ chú tâm đến việc khuyến đọc, cổ vũ và gợi dẫn những phương pháp, cách thức đọc mà ít chú ý đến hoạt động tổ chức đánh giá, bình luận sách vốn được coi là “thước đo” đánh giá chất lượng đọc.
Điểm sách (Book Reviews) hay giới thiệu sách, bình sách, là hoạt động đánh giá, nhận xét, thảo luận và quảng bá một cuốn sách cụ thể. Hoạt động này, trước hết, thể hiện quan điểm, thái độ và năng lực cá nhân với tư cách là độc giả khi tiếp nhận cuốn sách nào đó. Độc giả, về bản chất, không chỉ là một người đọc thuần túy tiếp nhận mà còn là người đồng sáng tạo, đối thoại với tác giả, là hạt nhân kiến tạo, kết nối cộng đồng đọc trong xã hội và thậm chí toàn cầu.
Do vậy, chỉ khi thể hiện được khả năng đánh giá, bình luận sách thì độc giả mới thực sự cho thấy vị thế, tiếng nói của mình. Thông qua điểm sách, tiếng nói này tham gia vào sự vận hành của thị trường sách và ngành xuất bản nói chung. Tác giả, dựa vào đánh giá sách, nhận thức rõ hơn về những ưu điểm và hạn chế của mình. Công chúng, từ tác động các bài bình luận sách, sẽ lựa chọn được đầu sách thích hợp, chính xác dành cho bản thân.
Còn giới xuất bản, căn cứ vào những phản hồi khác nhau, sẽ hình dung được xu hướng và lợi thế của dòng sách, đầu sách có khả năng “chiếm sóng” thị trường. Như vậy, điểm sách tạo ra chất xúc tác và duy trì mối quan hệ ràng buộc giữa tác giả, thị trường và công chúng.
Ngoại trừ việc điểm sách ở các tạp chí khoa học hàn lâm thì nhìn chung, điểm sách gắn liền với báo chí và biến báo chí trở thành kênh truyền thông có hiệu quả bậc nhất trong vòng đời cuốn sách. Nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đều có mục điểm sách, có tác giả chuyên viết điểm sách và nhờ thế, góp phần xây dựng uy tín, sức hút của tờ báo.
Trong số đó, hoạt động điểm sách của những Bookforum Magazine, Asian Review Books, The Chicago Review of Books, London Review of Books hay The New York Review of Books, từ lâu, đã tạo tiếng vang toàn thế giới và ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận hành của ngành xuất bản sách ở nhiều quốc gia khác nhau.
Những cuốn sách được giới thiệu, đánh giá, xếp hạng trên các tờ báo này mang đến niềm vui, tự hào cho tác giả, đồng thời kích hoạt nhu cầu tìm mua, tìm đọc của công chúng. Đáng nói hơn, các đánh giá sách ở đây cũng là nguồn tham chiếu hữu ích đối với công việc nghiên cứu, giảng dạy hoặc lập danh sách đề cử cho các giải thưởng uy tín. Như vậy, từ chỗ là một thể loại báo chí, điểm sách dần trở thành thiết chế tri thức, văn hóa, giáo dục có tính đại chúng, phổ thông rộng rãi bậc nhất.
Ở Việt Nam, điểm sách trên báo chí xuất hiện từ lâu và dần thành xu hướng trong thập niên 1930 khi đời sống báo chí, in ấn và xuất bản đã thực sự phát triển, ganh đua sôi nổi. Nhiều tờ báo có hẳn mục giới thiệu, bình luận và thảo luận về sách cũng như quảng cáo sách hằng tuần.
Trên tờ Phong Hóa, Ngày Nay chẳng hạn, số lượng và các dạng bài điểm sách khá phong phú, từ những mẫu tin giới thiệu ngắn, quảng cáo cho đến những bài đánh giá, phê bình kỹ lưỡng. Nhiều tác giả, tác phẩm và các cuộc tranh luận về sách, trên thực tế, còn nhanh chóng trở thành tâm điểm của sinh hoạt trí thức bấy giờ như trường hợp cuốn “Nho giáo” (1930) của Trần Trọng Kim, “Nửa chừng xuân” (1936) của Khái Hưng, “Số đỏ”, “Kinh Thi Việt Nam” (1940) của Trương Tửu, “Thi nhân Việt Nam” (1942) của Hoài Thanh…
Trong bối cảnh kiến thức và học vấn đang vận động theo hướng hiện đại hóa lúc bấy giờ, điểm sách và tranh luận xoay quanh về sách, quả thật, cũng là phương tiện để phô bày, truyền tải tinh thần duy tân, vốn hiểu biết mới của tầng lớp tinh hoa, thiết thực mở mang dân trí và văn hóa dân tộc.
Mức độ cá nhân hóa việc đánh giá sách trên không gian mạng đang thực sự mở ra nhiều cơ hội để độc giả biểu đạt vai trò của mình. Đây là thời điểm mà mỗi cá nhân đều có thể tự định lượng được giá trị cuốn sách cần đọc dựa trên nguồn bài đánh giá đa dạng, đa chiều. Đến lượt mình, nguồn bài không ngừng được bổ sung, lưu trữ trên mạng này sẽ dần xóa bỏ những “vùng mờ”, “vũng trũng” thông tin sách vở một khi Internet phủ sóng khắp nơi.
Rèn luyện kỹ năng viết điểm sách trong nhà trường, giảng đường
Rèn luyện giới trẻ, trong đó sinh viên, học sinh viết bài điểm sách đang và nên là việc làm thường xuyên trong nhà trường hay giảng đường. Có thể có nhiều mức độ khác nhau trong hoạt động này. Chẳng hạn, các dạng bài viết điểm sách, giới thiệu sách giáo trình, sách tham khảo dành cho môn học. Cũng có thể là dạng viết đánh giá, bình luận về những cuốn sách yêu thích. Đây là dạng bài tập bổ sung, có thể chêm xen trong quá trình học, hướng đến mục tiêu khuyến khích các bạn trẻ mở rộng phạm vi đọc, tìm hiểu kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Từ bài điểm cuốn sách yêu thích, giáo viên có thể phát hiện, ghi nhận một số năng lực, cảm xúc và tính cách của học sinh, sinh viên. Đồng thời, giảng viên cũng có thể trao đổi, tư vấn cho học sinh, sinh viên những cuốn sách phù hợp lứa tuổi, môn học, thậm chí là những cuốn “khó đọc” đòi hỏi khả năng tiếp nhận, đánh giá đa chiều.
Trong môi trường phổ thông và đại học theo quan sát của tôi, học sinh, sinh viên là những người có thể có sự chủ động tìm đọc sách, tài liệu. Với họ thì đọc không chỉ để bổ trợ kiến thức cho bài thi, bài tập mà trong thâm tâm, họ còn muốn có sự phiêu lưu tìm biết nhiều thứ, nhiều lĩnh vực.
Nhưng việc rèn luyện kỹ năng viết điểm sách cho họ, theo tôi, cũng là một cách thức hữu hiệu, vừa hướng đến phát triển văn hóa đọc, vừa củng cố, gia tăng chất lượng học tập, hiểu biết của giới trẻ nói chung. Nếu thực hành một cách bài bản và thường xuyên, kỹ năng này cũng giúp học sinh, sinh viên hoàn thiện năng lực tư duy, tự học và có thể thích ứng với một số loại hình công việc liên quan đến sáng tạo nội dung, báo chí, xuất bản, truyền thông đa phương tiện trong tương lai.
Theo Báo Quảng Ninh