Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Tết Trung thu gắn bó mật thiết với trăng, vì thế nhắc đến tết này thì không thể không nói đến trăng được.
Tết Trung thu đến với chúng ta vào giữa mùa thu, mùa mát mẻ đẹp nhất trong năm với trăng trong, gió mát.
Trăng trong đời sống của người phương Đông
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy (sách Hà Nội thanh lịch) Tết Trung thu là một cái tết có lý do thiên nhiên. Mùa thu, trời trong, trăng sáng. Giữa tháng 8, giữa mùa thu (trung thu) thì trăng sáng nhất. Tối hôm ấy, trẻ con “chơi trăng”, người lớn, nhất là các nhà văn thơ “thưởng trăng”, tức “ngắm trăng”. Các cụ bảo: “Đêm hôm ấy, trăng đẹp nhất, nếu không thưởng hết, thì lại một năm nữa, mới gặp trăng thu”.
Còn theo học giả Nguyễn Văn Huyên (sách Hội hè lễ của người Việt), ngày rằm tháng 8 đúng vào thời điểm giữa ba tháng của mùa thu, được gọi là Tết trung thu hay Tết tháng tám. Vào thời kỳ này, bầu trời trong trẻo và Mặt Trăng rất tròn, sáng rực rỡ. Ta cảm thấy rất vui thích khi ngắm trăng trong tất cả sự mạnh mẽ và uy nghi của nó.
Vào đêm trung thu, người người tụ họp xem trăng lên. Và tùy theo màu sắc cùng dáng vẻ của vì tinh tú này, người ta rút ra các điềm báo tương lai của đất nước. Chẳng hạn, nếu trăng sáng vằng vặc, ta sẽ có một mùa màng bội thu. Nếu ta thấy trăng màu vàng, tằm sẽ nhả nhiều tơ…
Tác giả sách Hội hè lễ của người Việt cũng cho biết, thói quen quan sát Mặt trăng đêm rằm tháng 8 còn đã tạo ra trong trí tưởng tương của dân gian cả một thế giới huyền diệu, trong đó có truyền thuyết về Mặt trăng với những linh vật ở cung Quảng Hàn.
Ngoài ra, Mặt trăng còn là biểu tượng của khả năng sinh sản, trở thành người bảo trợ của phụ nữ và của đời sống vợ chồng. Vì vậy trên Mặt Trăng có cung Nguyệt lão và bà Nguyệt cả hai đều quyết định việc hôn nhân của mọi người trên Trái Đất.
Còn học giả Toan Ánh (sách Tín ngưỡng Việt Nam, bộ Nếp cũ) thì cho biết Tết Trung thu sơ khởi là Tết trông trăng, nên nói đến Tết Trung thu không thể bỏ qua trăng được.
Theo tín ngưỡng phương Đông, trăng là một vị sao tên gọi Thái Âm tinh. Tử vi đầu số cho biết sao Thái Âm chủ về điền, về văn học. Người nào có sao này thủ mệnh thì thông minh, thanh kỳ, uy nghiêm. Thái Âm đắc địa ở hai cung Hợi và Tý.
Thái Âm cư Hợi là Nguyệt tăng thiên môn, trăng ở dưới trời, tức trăng ở cửa bể, đang sáng rõ. Ở đây trăng gặp mây cũng đẹp, nghĩa là Thái Âm ngộ Hóa Kỵ cũng tốt. Đã có Thái Âm lại thêm Thiếu Âm, vị trăng non, trăng sáng lại càng sáng thêm, số càng tốt.
Cũng theo tác giả bộ Nếp cũ, ngoài Tử vi đầu số, người phương Đông còn hiểu trăng theo nhiều lối khác. Chẳng hạn trăng là cung Quảng Hàn của chư tiên, nơi Đường Minh Hoàng đã lên du ngoạn và đã được thưởng thức ở đó hai điệu múa Nghê thường và Vũ y do các tiên nữ xiêm y lộng lẫy ca múa và là nguồn gốc của Tết trung thu.
Hay theo sách Thiên văn chí của Trung Quốc thì Mặt Trăng là khí Thái Âm kết tinh, ngược với Mặt Trời là khí Thái Dương kết tinh, Thái Âm là hơi lạnh và Thái Dương là hơi nóng.
Mặt trăng thuộc quyền của vị thần Thái Âm vợ của thần Thái Dương tức Mặt Trời. Thái Âm thần nữ ngự ở Quảng Hàn, toàn bằng ngọc lưu ly, trong suốt như pha lê, hào quang chói lọi nhưng lúc nào cũng giá lạnh như băng. Thái Âm thần nữ cai quản một số tiên nữ và những linh vật
Những linh vật ở cung trăng
Theo học giả Toan Ánh, những linh vật thuộc quyền cai quản của Thái âm thần nữ đều hiền từ, ngoan ngoãn, và trong số đó đáng kể nhất là hai con Thiềm thừ và Ngọc thỏ.
Theo tác giả bộ Nếp cũ, Thiềm thừ là một giống cóc, đầu có sừng bằng thịt, bụng có vệt chữ bát màu đỏ. Tiền thân Thiềm thừ là nàng Hằng Nga, vợ của Hậu Nghệ có tài thiện xạ bách phát bách trúng.
Theo truyền thuyết Hậu Nghệ có dịp lên vườn Lãng Uyển, xin đức Giao Trì Vương Mẫu ban cho thuốc trường sinh bất tử. Mang thuốc về Hậu Nghệ không uống ngay, vì phải mang quân đi đánh giặc, nên cất thuốc vào lò. Ở nhà, Hằng Nga đã trộm thuốc trường sinh, uống rồi nàng bay lên Mặt Trăng và ra mắt Thái Âm thần nữ, kể rõ sự tình, cầu xin thần che chở.
Thái Âm thần nữ biến Hằng Nga thành con Thiềm thừ, đem giấu ở một nơi kín đáo ở cung Quảng Hàn. Hậu Nghệ đi trận về thấy mất vợ lẫn thuốc trường sinh, chàng quyết tìm nàng cho bằng được.
Thời ấy, trên Trời có 10 Mặt Trời. Ngờ vợ ẩn trong những Mặt Trời này, Hậu Nghệ đã bắn 9 Mặt Trời (bớt lại Mặt Trời thứ 10 để lấy ánh sáng ban ngày, và không bắn Mặt Trăng vì ban đêm chỉ có 1 Mặt Trăng) nhưng không thấy vợ. Về phần Hằng Nga, nàng vẫn biến hình ẩn núp trong cung Quảng Hàn cho đến ngày nay.
Ngoài truyền thuyết học giả Toan Ánh kể trên, trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt, học giả Nguyễn Văn Huyên còn kể thêm một truyền thuyết khác nói rằng con Thiềm thừ này được cho là có tuổi đời đến ba nghìn tuổi. Xưa nó sống trên mặt đất, bên bờ đại dương và ăn thịt những khách đi đường qua tầm với của nó. Để cải hóa nó, Ngọc Hoàng sai dẫn nó lên Mặt Trăng để trở thành kẻ gác cung Quảng Hàn.
Linh vật thứ hai theo học giả Toan Ánh là Thỏ Ngọc. Theo sự tích, ngày xưa có thời mất mùa, người vật đều nhịn đói. Các loài vật khó kiếm thức ăn, tàn sát lẫn nhau.
Loài thỏ yếu đuối, không khí giới tự vệ, không dám thò mặt ra ngoài kiếm ăn. Chúng đành nằm một chỗ kín đáo cùng nhau nhịn đói. Đã đói lại rét, chúng rủ nhau tới một đống lửa, không biết ai đốt sẵn, nằm quanh đống lửa nhìn nhau, con nào cũng hoen lệ.
Trước tình trạng não nề ấy, một con thỏ vì thương đồng loại, nhảy mình vào đống lửa tự thui để các con khác ăn cho đỡ đói. Vừa lúc ấy, Đức Phật đi qua thấy được sự tình. Ngài thầm khen nghĩa khí của con vật và nhặt nắm xương của nó rồi hóa phép cho nó thành hình toàn bằng ngọc thơm tho, trong sáng. Sau đó, ngài đưa nó lên cung Quảng Hàn, xin cho nó viên thuốc trường sinh, và nói với Thái Âm thần nữ cho nó được lưu lại nơi đây.
Ngoài hai linh vật trên, theo học giả Toan Ánh, cung Quảng Hàn còn có bóng một cây mà ở trần gian nhìn lên thấy hình đen trên Mặt Trăng. Đó là cây Đan quế, tức cây quế đỏ.
Theo sách Tàu, cây này cao một trăm linh năm thước, gốc rất lớn, đường kính ước chừng vài ba trượng. Cây sống hàng vạn năm. Gỗ và vỏ rắn như thép. Gốc cây có nhiều vết băm, vì quanh năm có người suốt đời bổ vào gốc cây. Ở mặt đất nhìn lên ta thấy bóng đen của người đó.
Người đó là Ngô Cương. Xưa hắn đã tu tiên đắc đạo, nhưng sau vì làm điều càn bậy trong chốn tiên cung, nên bị Ngọc hoàng bắt đày xuống cung trăng, giao cho việc chặt và bóc vỏ cây đan quế. Còn ở ta, bóng người trên đó là thằng Cuội, còn cái cây là cây đa thần