Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta phải đối mặt với vô vàn thách thức và áp lực, từ công việc, chăm sóc gia đình đến các hoạt động giải trí và thư giãn. Do đó, thời gian dành cho việc đọc sách trở nên hạn hẹp hơn bao giờ hết. Nhiều người không tiện mang theo sách giấy, trong khi việc sử dụng thiết bị di động để đọc hoặc nghe sách ngày càng phổ biến. Công nghệ phát triển nhanh chóng đã thúc đẩy sự sản xuất và phân phối sách điện tử và sách nói trở thành một xu hướng không thể bỏ qua.
Ở Việt Nam, sự mở rộng của mạng 4G và 5G đang cung cấp tốc độ kết nối nhanh hơn và ổn định hơn, giúp người dân tiếp cận nhiều nội dung trực tuyến hơn. Theo dữ liệu từ GSMA Intelligence, vào đầu năm 2023, Việt Nam có 161,6 triệu kết nối di động, tương đương 164,0% tổng dân số vào tháng 1 năm 2023. Số lượng kết nối di động cũng đã tăng thêm 4,7 triệu (+3,0%) từ năm 2022 đến 2023.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, có khoảng 3.200 xuất bản phẩm điện tử với 15 triệu lượt người sử dụng, tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc, tăng 59% so với năm 2021. Đại diện của Bookas, một đơn vị phát hành sách nói, cho rằng việc phát triển sách điện tử là một tất yếu, phù hợp với thực tiễn và xu hướng hiện nay. Dự án này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn giúp tạo ra một cộng đồng độc giả sáng tạo và đam mê học hỏi.
Sách điện tử trên các thư viện số mang lại nhiều lợi ích, giúp độc giả dễ dàng tìm kiếm và đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc mà không bị giới hạn bởi thời gian mượn và trả sách. Quá trình số hóa sách còn tạo ra nhiều phiên bản hấp dẫn như sách nói, sách có hình minh họa cùng giọng đọc truyền cảm, dễ nghe, dễ liên tưởng. Điều này không chỉ tăng cơ hội tiếp nhận sách mà còn mang lại cảm xúc cho độc giả, lan tỏa tình yêu sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tuy nhiên, sách điện tử vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều người Việt Nam vẫn duy trì thói quen đọc sách giấy và chưa sẵn sàng tiếp cận hình thức sách nói và sách điện tử. Chi phí sản xuất sách nói cao nhưng lượng người dùng chưa đủ lớn để tạo doanh thu bù đắp. Sự cạnh tranh từ các nền tảng giải trí khác cũng làm giảm sự chú ý đối với sách nói nói riêng và sách điện tử nói chung.
Một khó khăn khác là vấn đề xâm phạm bản quyền. Nhiều tác phẩm sách nói và sách điện tử bị sao chép và phân phối trái phép, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất và tác giả. Sự phát triển công nghệ không đồng đều cũng làm giảm khả năng tiếp cận sách điện tử ở một số vùng, đặc biệt là vùng nông thôn và vùng xa.
Để khắc phục những khó khăn này, Bookas dự kiến sẽ đẩy mạnh truyền thông để giới thiệu lợi ích của sách nói, thay đổi thói quen của người dùng. Đồng thời, sử dụng công nghệ AI để tối ưu hóa sản xuất, cải thiện chất lượng giọng đọc và âm thanh. Mở rộng các thể loại sách để đáp ứng nhiều nhóm đối tượng hơn, ký kết với các tác giả, nhà xuất bản uy tín và áp dụng công nghệ bảo vệ bản quyền. Cùng với đó, hỗ trợ người dùng bằng các chính sách ưu đãi và trải nghiệm miễn phí để thu hút người dùng mới, đặc biệt ở các khu vực chưa tiếp cận nhiều với sách nói.