Google search engine
HomeTin tứcThư viện cộng đồng miễn phí giữa lòng TP Quảng Ngãi

Thư viện cộng đồng miễn phí giữa lòng TP Quảng Ngãi

Những ngày hè, nhiều bạn trẻ đã tìm đến không gian đọc sách tại Nhà văn hóa Tổ dân phố 1, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi, đây là thư viện sách cộng đồng, nơi bạn trẻ đọc sách, mượn sách miễn phí.

Một thư viện xanh bên trong Nhà văn hóa Tổ dân phố 1, phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi, là mô hình thư viện cộng đồng đầu tiên của thành phố với không gian gần gũi vốn quen thuộc với người dân.

Thư việnxanh được mở vào tháng 4-2022, hiện có hơn 1.300 đầu sách, đa dạng các thể loại giáo dục, khoa học, văn học, kinh tế, chính trị, truyện thiếu nhi… và báo, tạp chí, thư viện không chỉ thu hút học sinh địa phương mà còn người dân xung quanh thành phố… Tất cả nguồn sách, tư liệu của thư viện là từ nguồn quyên góp của các tổ chức, cơ quan, nhà hảo tâm và người dân.

Ông Nguyễn Thắng, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Chánh Lộ cho biết: “Văn hóa đọc rất cần thiết khi công nghệ 4.0 đã ảnh hưởng đến chất lượng đọc sách, rất ít người có thể dành 1 ngày đọc 1-2 trang sách, do vậy, cần có hiểu đúng về văn hóa đọc nhất là lứa tuổi học sinh. Đảng ủy, UBND phường Chánh Lộ đã đồng ý mở ra thư viện xanh và mượn địa điểm là nhà văn hóa để thực hiện. Chúng tôi đã lắp thêm các kệ sách, sửa chữa và trang trí để thu hút bạn đọc đến”.

Ông Nguyễn Thắng giới thiệu về những cuốn sách tại thư viện.

Ông Nguyễn Thắng vốn là giáo viên dạy Ngữ văn về hưu và làm công tác khuyến học địa phương, ông sở hữu lượng sách tại gia đình khá lớn, chính vì thế, ngay khi có quyết định mở cửa thư viện xanh, ông đã quyên góp 220 cuốn sách tất cả các thể loại, trong đó có những cuốn sách ông từng mua với giá cả 1 chỉ vàng như Đại từ điển Kinh tế (Viện Nghiên cứu và phổ biến tri thức Bách Khoa Hà Nội-1998) vào thời kỳ đó…

Ông vận động người thân, bạn bè để giới thiệu về thư viện xanh và ông nhận được thêm nhiều sách để cung cấp tài nguyên sách. Ông nói: “Kể cả đối với những người lớn tuổi như tôi hay những người Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh,… đều rất thích đến đây để đọc sách, đọc báo, trò chuyện dưới hàng ghế đá sân vườn”.

Chị Vũ Thị Tâm, Quản lý thư viện cho biết: “Từ sau khi phụ trách tại thư viện, tôi đã quyết định đưa toàn bộ 300 cuốn sách tại gia đình tôi để phục vụ bạn đọc. Tôi nghĩ rằng, tôi đã ở thư viện mà sách ở nhà thì cũng không có ý nghĩa mà sách chỉ có ý nghĩa khi có nhiều người đọc và đọc nhiều lần”. Chị Tâm cũng từng làm công ty sách, rồi kinh doanh văn phòng phẩm, nghiệp vụ thư viện cho Sở GD-ĐT và suốt thời gian dài chị sưu tầm rất nhiều sách.

Học sinh đến đọc sách tại thư viện.

Thư viện được hình thành với tấm lòng của những người yêu sách nên thư viện không có phụ cấp, không có lương, không có kinh phí, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng với sách.

Thư viện đã phát 117 thẻ bạn đọc cho Trường Tiểu học Chánh Lộ để khuyến khích học sinh tới đọc, riêng các em THCS, THPT khi biết địa điểm đọc sách này đều tự tìm đến đọc miễn phí. Chị Tâm nói: “Thư viện mở cửa từ thứ 2 đến Chủ nhật, mỗi ngày có trên 20 người đến đọc sách và mượn về nhà, thư viện quy định thời gian mượn từ 3-7 ngày, nhắc nhở các em mang sách về nhà cần đem đến trả để người sau đến có sách đọc.

Em Bùi Nguyễn Nhật Hưng (lớp 7, trường THCS Chánh Lộ) chia sẻ: “Em thường hay đến nhà văn hóa để đọc sách, mỗi tuần em đến 4-5 lần, ở đây có rất nhiều sách hay, em rủ các bạn đến cùng đọc rất vui”. Em Võ Bùi Duy Long (lớp 7, trường THCS Chánh Lộ) cứ mỗi tuần em đều đi xe đạp đến đọc sách ít nhất 2 lần. “Em rất thích đến đọc sách và rất vui vì có nhiều bạn cũng thích đọc sách, chúng em chia sẻ những cuốn sách hay để cùng đọc” – Em Long nói.

Ông Thắng mong rằng đây là mô hình thư viện cộng đồng đầu tiên của thành phố, trở thành điểm tiên phong để nhiều phường, xã cùng làm, lan tỏa văn hóa đọc.

Theo Báo SGGP

- Advertisement -
Bài viết liên quan

Phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -spot_img

Bài viết mới nhất