Ngành giáo dục Việt Nam đang tích cực chuyển mình theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phong trào đọc sách đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của cuộc chuyển mình này.
Nói đến phong trào đọc sách ở lứa tuổi học sinh, sinh viên không thể không nói tới sự đóng góp của hệ thống các thư viện ở trong và ngoài trường học. Thời gian qua, nhiều thư viện ở các địa phương trong cả nước đã nỗ lực để đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ, đáp ứng các nhu cầu tìm kiếm thông tin, nghiên cứu, học tập và giải trí, tăng cường truyền thông… để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, thúc đẩy phong trào đọc sách.
Bà Hồ Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Sơn La cho biết: Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Thư viện tỉnh đã xây dựng phương án làm việc, phục vụ bạn đọc phù hợp. Trong đó, thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; thường xuyên khử trùng, vệ sinh kho sách, phòng đọc; bố trí đầy đủ dung dịch rửa tay, sát khuẩn tại các địa điểm phục vụ bạn đọc; yêu cầu bạn đọc tuân thủ nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và đeo khẩu trang.
Hiện nay, Thư viện tỉnh Sơn La đã đầu tư hệ thống các kho sách theo lứa tuổi, trình độ và nhu cầu đọc sách, báo của các đối tượng như: kho đọc, kho mượn, kho sách thiếu nhi, kho báo – tạp chí, kho tài liệu địa chí, kho tài liệu tiếng dân tộc, kho tài liệu luân chuyển và không gian đọc thiếu nhi, với tổng số 279 nghìn bản sách, báo đa dạng với nhiều chủng loại, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc là cán bộ, viên chức, học sinh, thiếu nhi, sinh viên, người cao tuổi. Cùng với nguồn kinh phí được cấp, hàng năm, Thư viện tỉnh Sơn La còn sưu tầm, bổ sung các loại tài liệu, sách mới, báo và tạp chí; xây dựng các cơ sở dữ liệu; xây dựng, chỉnh lý các kho sách và hệ thống tra cứu thông tin… Thư viện đã nhập mới hơn 17.170 bản sách, bổ sung 250 loại báo, tạp chí; số hóa 20.000 trang tài liệu; duy trì gần 5.400 thẻ bạn đọc, với 640.280 lượt bạn đọc mượn sách.
Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn tạo điều kiện thuận lợi để bạn đọc tìm kiếm thông tin hiệu quả nhất; duy trì hình thức mượn, đọc cá nhân và khuyến khích cho mượn sách theo các đơn vị tập thể, như: Lực lượng vũ trang, các đơn vị trường học và luân chuyển sách cho thư viện các đồn biên phòng, trại giam; tổ chức thư viện lưu động đa phương tiện; giới thiệu các loại sách, báo, tạp chí… trên phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử của đơn vị. Đồng thời, tổ chức 76 cuộc phục vụ lưu động cho các bạn đọc trên địa bàn toàn tỉnh; phối hợp với Trung tâm Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Tây Bắc, Công an tỉnh, Trại tạm giam Công an tỉnh và một số trường TH&THCS trên địa bàn tổ chức 12 cuộc trưng bày mô hình, triển lãm tuyên truyền giới thiệu sách; xây dựng 47 chi nhánh trạm sách tại các huyện, thành phố…
Với việc đổi mới hình thức phục vụ, Thư viện tỉnh Sơn La đã và đang từng bước nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, qua đó góp phần xây dựng, duy trì và phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu thông tin về nhiều mặt, nâng cao nhận thức của nhân dân.
Trong khi đó, tại Lâm Đồng – một trong những địa phương cũng rất chú trọng việc phát huy lợi ích từ các thư viện trường học. Đầu năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng cho biết, toàn ngành có 702/702 trường học đều có thư viện Gồm 59 trường cấp THPT, 157 trường cấp THCS, 243 trường cấp tiểu học, 231 trường cấp mầm non và 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở Trần Đức Lợi: “Các thư viện được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng trong thư viện trường học theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, thân thiện, phù hợp với từng cấp học. Xây dựng môi trường đọc và không gian đọc thân thiện, an toàn. Sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo từng cấp cho giáo viên và học sinh. Các đơn vị trường học chủ động, linh hoạt sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn kinh phí cho công tác thư viện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”.
Để đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục, Sở GDDT Lâm Đồng đã chú trọng tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh cả ở trên lớp và ngoài lớp học. Việc nâng cấp hệ thống thư viện, hệ thống máy tính kết nối Internet tạo cơ hội cho học sinh và giáo viên tìm hiểu và tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là một giải pháp quan trọng về hội nhập quốc tế…
Tại Bắc Giang, hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách, nhiều năm trở lại đây Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Việt Yên đã có những hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền để mỗi học sinh nhận thức được vai trò của sách đối với việc học tập và cuộc sống. Xuất phát từ mục đích đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Việt Yên đã cùng với các nhà trường đầu tư và xây dựng hệ thống thư viện nhằm đưa văn hóa đọc tới gần hơn từng học sinh.
Đến nay, toàn huyện Việt Yên có 38 trường có thư viện đạt chuẩn quốc gia, chỉ tính riêng cấp tiểu học có 19/19 trường đạt chuẩn. Những thư viện nhà trường, tủ sách lớp học đã góp phần định hướng văn hóa đọc cho học sinh trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Để định hướng văn hóa đọc cho học sinh, giúp các em có niềm say mê với việc đọc sách, một số trường tiểu học trong huyện đã triển khai mô hình thư viện vườn trường, thư viện xanh. Với ý tưởng tạo cho các em một môi trường đọc thân thiện, những thư viện này thường được đặt tại sân trường, dưới những bóng cây xanh hay tại mỗi lớp học nhằm tạo thuận lợi cho các em dễ dàng lựa chọn sách và có thể đọc sách trong những thời gian rảnh rỗi. Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là yếu tố quan trọng trong việc định hướng các em tới thư viện.
Tại các nhà trường ngoài thư viện chung, các lớp còn xây dựng những tủ sách thân thiện ngay tại từng lớp học. Nhờ vậy, mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi./.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam