Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động tăng cường văn hóa đọc nhằm thu hút người dân tham gia, phát triển văn hóa đọc trong đời sống.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, thiết bị điện tử đã trở thành công cụ giải trí đầy sức hút, khiến cho lượng người đọc sách giảm mạnh theo thời gian. Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều giải pháp lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng đã được triển khai và nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
Nhằm phát triển văn hóa đọc cho người dân, trong những năm qua Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi viết truyện, đọc sách, như phát động chương trình Mở cổng trường học, thư viện, tủ sách mở để học sinh, nhân dân vùng lân cận đến tham gia, tiếp cận sách báo, tạo điều kiện cho người học và phụ huynh có điều kiện đọc sách; tổ chức Ngày hội đọc sách với chủ đề: Sách với tuổi trẻ lập thân, Sách – Hạt giống cho tâm hồn, Từ trang sách đến thực tiễn cuộc đời…
Bên cạnh đó, cho ra đời nhiều tủ sách phong phú, hấp dẫn, ý nghĩa để khơi gợi niềm vui đọc sách cho bạn trẻ, như: Thư viện hạnh phúc ở Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng); câu lạc bộ “Sách và những người bạn” ở Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng), thu hút hàng trăm giáo viên, học sinh phụ huynh và học sinh tham gia các hoạt động giới thiệu sách hay, truyền kỹ năng sống, cảm hứng đọc; nhà trường cũng xây dựng Tủ sách lớp học, các lớp đã quyên góp được 1.600 bản sách từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ cho việc đọc của học sinh. Tại thư viện quận Thanh Khê đã tổ chức nhiều hoạt động như Hội sách Sách – Người bạn đồng hành cùng tri thức nhằm thu hút người dân tìm đến thiết chế văn hóa cơ sở.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hưởng ứng sự kiện ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất bản, in và phát hành chủ động tham gia, tổ chức các hoạt động chào mừng sự kiện; phối hợp với các đơn vị tổ chức hội sách, triển lãm sách tại địa phương. Song song đó đề xuất các chương trình trải nghiệm, khuyến mãi về sách để tri ân khách hàng; khởi động tuần lễ phát hành sách và các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách.
Về phía Sở Văn hóa và Thể Thao thành phố Đà Nẵng, đơn vị đang tiếp tục đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị để phục vụ công tác số hóa tài liệu và thư viện điện tử, bố trí thêm phương tiện lưu động đa phương tiện để tăng tần suất luân chuyển sách về cơ sở, đưa văn hóa đọc về với vùng sâu vùng xa. Vận động mọi người duy trì thói quen đọc sách trong điều kiện phù hợp với mỗi cá nhân, tăng cường vai trò phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc duy trì thói quen đọc sách cho trẻ em.
Trong đề án Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến mục đích khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc nâng cao đời sống văn hóa của người dân, chú trọng nâng cao chất lượng bản sách, chỉnh trang tu bổ cơ sở vật chất của hệ thống thư viện công cộng theo hướng hiện đại. Theo đó, nhiều địa điểm đọc đã được hình thành để đáp ứng nhu cầu đọc của mỗi người dân.
Thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay, bên cạnh Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, hiện có 6 thư viện trực thuộc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao các quận, huyện gồm: Cẩm Lệ, Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và Hòa Vang. Toàn hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố hiện có hơn 354.800 bản sách giấy, hơn 6.900 bản tài liệu băng đĩa, hơn 7.460 bản sách điện tử, khoảng 500.000 tài liệu số; trung bình mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng của thành phố được cấp ngân sách bổ sung 17.650 bản sách giấy, hơn 1.180 bản sách điện tử, 235 đầu báo/tạp chí… Ngoài ra, toàn thành phố có 16/56 xã, phường có thư viện, phòng đọc sách.
Theo bà Lê Thị Bích Phượng – Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng – phục vụ bạn đọc là công tác ưu tiên hàng đầu nhằm thu hút thêm sự quan tâm của người dân đến với thư viện cũng như hình thành văn hóa đọc. Thư viện luôn duy trì không gian đọc tại chỗ thoáng đãng, sạch sẽ; luôn đổi mới, nâng cao chất lượng của các đầu sách có tại thư viện. Thư viện luôn bổ sung, cập nhật các đầu sách tại thư viện để phù hợp với dòng chảy của xã hội, điều này đã hình thành quy trình qua từng năm.
Trong thời đại công nghệ 4.0, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng cũng là đơn vị dẫn đầu trong công tác chuyển đổi số văn hóa đọc, nâng cao hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ bạn đọc bất kể thời điểm nào. Theo đó, tiếp tục duy trì cho phép người dân truy cập miễn phí vào website đọc sách trực tuyến,
“Tôi mong muốn rằng văn hóa đọc sẽ được lan tỏa, mang tri thức từ những cuốn sách đến mọi người, và tôi mong các bạn trẻ cũng như người dân hiểu được rằng sách nói riêng và tri thức nói chung cần được thường xuyên trau dồi, tiếp thu từ khi còn tấm bé đến lớn tuổi”, bà Phượng chia sẻ.
Ngoài điểm sáng Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đang phục vụ khoảng 500 độc giả mỗi ngày, đầu năm nay, Thư viện quận Liên Chiểu cũng được đưa vào sử dụng với không gian thoáng đãng, khang trang, đẹp đẽ. Trong đó, tầng 1 có phòng truyền thống, phòng hội thảo, thư viện điện tử và không gian đọc sách ngoài trời. Tầng 2 được bố trí làm phòng đọc, kho sách, không gian thư viện cộng đồng kết hợp đồ uống – cà phê sách…
Bà Nguyễn Thị Hồng Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng)- cho biết, công trình Nhà truyền thống và thư viện quận Liên Chiểu vừa đi vào vận hành được xây dựng với các hạng mục: phòng truyền thống, phòng hội thảo, thư viện điện tử, không gian đọc sách ngoài trời, phòng đọc, kho sách, khu cà-phê sách… với hơn 5.000 đầu sách phục vụ độc giả ở mọi lứa tuổi.
“Trong thời gian đến, để thu hút bạn đọc, chúng tôi sẽ tăng cường thông tin qua mạng xã hội Facebook ‘Thư viện quận Liên Chiểu’ và hệ thống loa truyền thanh của quận. Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp tục cập nhật thêm nhiều đầu sách mới, phù hợp với từng đối tượng bạn đọc”, bà Nghĩa chia sẻ.
Theo Zingnews