Việc giáo dục, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) quan tâm, bởi đọc sách giúp các em mở mang tri thức, giúp mở rộng vốn từ, giao tiếp lưu loát, học tập ngày càng tốt hơn. Tại các cấp học, các nhà trường đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích học sinh duy trì việc đọc sách tạo thành thói quen hàng ngày.
Để xây dựng và phát triển thói quen đọc sách của học sinh, ngay từ bậc học mầm non, giáo viên các trường đã hướng dẫn các em làm quen với sách dạng truyện tranh, ảnh. Đến bậc tiểu học, việc khuyến khích, định hướng học sinh đọc sách tiếp tục được quan tâm. Các trường đều có thư viện, được trang bị những bản sách phù hợp với học sinh từng khối lớp; có phương pháp tổ chức tiết đọc thư viện, kỹ thuật trình bày thư viện để thu hút học sinh đọc sách, tạo điều kiện giúp học sinh tìm tài liệu học tập. Nhiều trường học còn tạo không gian thư viện phong phú, hấp dẫn với nhiều loại sách phù hợp lứa tuổi và sở thích của học sinh. Các trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi đọc sách, thảo luận về các cuốn sách hay để khuyến khích học sinh tham gia và chia sẻ suy nghĩ. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi đọc sách hoặc thử thách đọc sách để tạo động lực cho học sinh; đưa công nghệ vào để phát triển thói quen đọc như sử dụng sách điện tử, phần mềm đọc sách hoặc ứng dụng học tập để học sinh có thể dễ dàng tiếp cận sách ở bất cứ đâu.
Tiêu biểu như ở Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực), hiện thư viện trường có 4.275 bản sách với 3.225 chủng loại, thời gian mở cửa từ 7h đến 15-17h từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần để các lớp có thể luân phiên đọc sách. Ngoài các tiết đọc đã quy định theo mô hình Room to Read, nhà trường đã mở thêm các tiết đọc sách cuối giờ (buổi sáng từ 10h-10h35 và buổi chiều từ 16h20-17h) theo quy mô lớp học dành cho các học sinh không tham gia các câu lạc bộ (CLB) sở thích như CLB Tiếng Anh, CLB Nghệ thuật, CLB TDTT, CLB STEM… Trường thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách trong buổi “Sinh hoạt dưới cờ” vào thứ 2 hàng tuần song song với việc duy trì tốt các tiết đọc sách trong thư viện trường và thói quen đọc sách cho học sinh toàn trường vào giờ ra chơi thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Cứ sau 1 tuần, học sinh có bài thu hoạch về cuốn sách đã đọc và yêu thích nhất.
Để kết hợp đọc sách vào chương trình học, giáo viên nhà trường tích hợp nội dung đọc sách vào các môn học khác nhau để học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc đọc. Cùng với đó, giáo viên khuyến khích phụ huynh tạo thói quen cho các em đọc sách tại nhà, phụ huynh đọc sách cùng con. Các giải pháp này khuyến khích học sinh hình thành và duy trì thói quen đọc sách lâu dài, góp phần nâng cao khả năng ngôn ngữ và kiến thức. Em Đỗ Hoài An, lớp 4A chia sẻ: “Em rất thích đọc sách, vì mỗi trang sách đều như một cánh cửa mở ra thế giới mới, chứa đựng nhiều kiến thức và câu chuyện thú vị. Mỗi cuốn sách đều có những bài học bổ ích, từ những câu chuyện cổ tích, truyện tranh cho đến các sách về khoa học, lịch sử và văn học giúp em mở rộng vốn từ vựng, nâng cao kỹ năng đọc hiểu và suy luận. Nhờ đó, khi học ở trường, em thấy việc tiếp thu bài học dễ dàng hơn và có khả năng liên hệ với nhiều kiến thức thực tế hơn. Thói quen đọc sách còn giúp em cải thiện khả năng viết văn. Khi đọc, em được học hỏi cách diễn đạt ý tưởng, sử dụng từ ngữ, và xây dựng cốt truyện từ đó tự tin hơn khi viết bài tập làm văn ở trường. Nhờ đó, điểm số môn văn của em đã được cải thiện đáng kể. Đọc sách còn giúp em phát triển tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề, điều này rất hữu ích cho các môn học như toán và khoa học khi làm bài tập nhanh hơn và chính xác hơn”.
Trường THCS Mỹ Thuận (thành phố Nam Định) có một phòng thư viện đảm bảo các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia với 5.235 bản sách, 879 đầu sách. Thời gian mở cửa của thư viện được sắp xếp hợp lý để học sinh các khối lớp có thể luân phiên đến đọc sách. Trường còn bố trí một “Thư viện mở” khoảng 200m2 có bàn ghế, có nhiều cây xanh thuận tiện cho học sinh vào đọc giờ ra chơi, lúc đến trường sớm… Trường cũng thường xuyên bổ sung các đầu sách, báo, tạp chí, truyện dành cho tuổi thiếu niên, sách văn học có tác phẩm trong chương trình THCS. Nguồn kinh phí từ tiết kiệm chi thường xuyên và sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn, học sinh cũ của trường. Nhà trường đặt một số báo, tạp chí phù hợp lứa tuổi như: Thiếu niên Tiền phong, Văn học Tuổi trẻ, Toán Tuổi thơ, Hoa học trò… cho học sinh. Đồng thời, nhà trường trang trí phòng thư viện, phòng đọc nhiều hình ảnh đẹp, hấp dẫn, có khẩu hiệu khích lệ việc đọc sách, tác dụng của đọc sách, văn hóa đọc. Các thầy, cô giáo trong các giờ học gợi mở cho học sinh tìm tòi tư liệu từ sách, báo, tạp chí, truyện thông qua việc đọc. Hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp đọc, lựa chọn sách đọc cho phù hợp. Năm học 2023-2024 và đầu năm học 2024-2025, trường tổ chức Hội thi Giới thiệu sách hay, Ngày hội đọc sách cho học sinh toàn Liên Đội. Những bài giới thiệu sách hay đều được đăng tải trên website và facebook nhà trường và được trao giải động viên khích lệ. Các lớp đều có tủ sách lớp học, hàng tuần nhà trường đều bổ sung báo Thiếu niên mới để học sinh thuận tiện đọc, tạo thói quen đọc. Học sinh Hoàng Kim Ngân, lớp 9A cho biết: “Em có thói quen đọc sách, báo từ bé, đến giờ em vẫn duy trì việc đọc sách như một nhu cầu. Em thích đọc truyện dài, bộ sách Hạt giống tâm hồn, truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Búp sen xanh, Đất rừng Phương Nam và cả sách tham khảo trong thư viện… Nhờ đọc sách, em tích lũy thêm nhiều kiến thức phong phú, hỗ trợ học tốt hơn các môn học. Đặc biệt, chúng em là lứa học sinh đầu tiên được học chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới, do vậy, việc đọc sách, tự học rất quan trọng, giúp bổ sung, mở rộng nhiều kiến thức, góp phần nâng cao thành tích, kết quả học tập. Em mong muốn lan tỏa thói quen đọc sách tới các bạn học sinh trong trường và hy vọng các bạn tạo thói quen đọc sách mỗi ngày, hạn chế việc theo dõi mạng xã hội, tạo cho mình tình yêu đối với sách, coi sách như một người bạn, ngày càng yêu thích đọc sách, trân trọng sách để phát triển văn hóa đọc”.
Hiện nay, khi mạng internet phát triển rộng khắp, học sinh chú trọng nhiều vào các thiết bị điện tử, thì việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh là điều vô cùng cần thiết. Việc định hướng cho học sinh đọc sách thời gian qua luôn được ngành GD và ĐT, các cơ sở giáo dục (CSGD) chú trọng, nhằm hỗ trợ tốt cho học sinh trong học tập, rèn luyện nhân cách, trí tuệ, kỹ năng. Cô Nguyễn Thị Nam Vân, thủ thư Trường Tiểu học Nam Mỹ chia sẻ: “Thư viện trường không chỉ chứa đựng rất nhiều kiến thức quý báu mà còn là không gian để học sinh mở rộng tư duy và khám phá thế giới qua từng trang sách, là nơi giúp các em rèn luyện thói quen đọc sách và phát triển niềm đam mê học hỏi. Tại đây, học sinh có thể tìm thấy rất nhiều loại sách, từ sách giáo khoa, sách tham khảo đến những tác phẩm văn học kinh điển và các đầu sách khoa học mới nhất. Thư viện trường còn là nơi giúp các em bổ trợ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, và nuôi dưỡng tâm hồn. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng các em trên hành trình khám phá và học tập. Mong rằng thư viện sẽ trở thành người bạn thân thiết của các em trong suốt năm học”.
Nhằm rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, Sở GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường tùy điều kiện thực tế tổ chức hoạt động: Giới thiệu sách trong tiết sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt lớp, tiết đọc thư viện; tổ chức các hoạt động, hội thi liên quan đến đọc sách như: Thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu, kể chuyện sách; Đại sứ văn hóa đọc… Tiêu biểu như ở các huyện Nam Trực, Xuân Trường, Vụ Bản, thành phố Nam Định, ngày hội sách được trên 90% trường học triển khai, trong đó có những ngày hội sách tiêu biểu, tạo được ấn tượng và có tác dụng lan tỏa, khích lệ tinh thần ham mê đọc sách trong học sinh như: Ngày Hội sách tại các Trường: THCS Mỹ Hưng, THCS Mỹ Thuận, Tiểu học Trần Quang Khải (thành phố Nam Định); THPT Nam Trực, THPT A Hải Hậu phát động, tổ chức cho học sinh tất cả các khối lớp làm video giới thiệu “Cuốn sách tôi yêu”; tổ chức giới thiệu sách tới các học sinh qua hệ thống các trang thông tin điện tử uy tín về xuất bản, phát hành sách trên toàn quốc. Trường THPT Nguyễn Đức Thuận (Vụ Bản) tổ chức thành công cuộc thi giới thiệu sách với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”…
Các giải pháp trên đã góp phần rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em duy trì và hình thành thói quen đọc sách lâu dài, góp phần nâng cao khả năng ngôn ngữ và kiến thức.