Vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, các địa phương trong cả nước đã lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, du lịch, tạo không khí phấn khởi trong Nhân dân.
Tại TP. Hà Nội
Chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khắp các con phố trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã được trang trí cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động, pano lớn… làm cho phố phường trở nên rực rỡ, sinh động.
Dịp này, Sở Du lịch Hà Nội sẽ miễn phí xe buýt 2 tầng “Hanoi City Tour” cho du khách tham quan Hà Nội trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 1 đến 4/9). Đồng thời, tặng quà cho du khách và Nhân dân viếng thăm Lăng Bác vào ngày 2/9. Thời gian phát vé miễn phí từ 12h đến 17h từ ngày 31/8 đến 03/9/2024 tại Khu vực Vườn hoa 19/8 đối diện Nhà hát lớn Hà Nội. Địa điểm khởi hành, đón và trả khách: Điểm đỗ xe cạnh Nhà hát Lớn.
Song song đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các địa điểm: Quận Hoàn Kiếm; Nhà văn hóa quận Hà Đông; quận Nam Từ Liêm; huyện Quốc Oai; Đan Phượng; Mê Linh; Đông Anh; Phúc Thọ; Thanh Oai…
Tại TP. Hồ Chí Minh
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ bắn pháo hoa tại hai điểm để phục vụ người dân và du khách vui chơi, thưởng thức. Điểm bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức) với số lượng 1.500 quả pháo hoa tầm cao, 30 giàn pháo hoa tầm thấp, 10 giàn hỏa thuật. Điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11) với số lượng 90 giàn pháo hoa. Thời gian bắn pháo hoa kéo dài 15 phút, từ 21h – 21h15 đêm 2/9.
Cùng với đó là các hoạt động triển lãm; văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao; chương trình nghệ thuật, trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố. Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh, Triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.
Tại TP. Đà Nẵng
Trong kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày năm nay, TP. Đà Nẵng sẽ trở nên sôi động với hàng loạt sự kiện văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ du khách. Vào sáng ngày 2/9 trên sông Hàn tại Đà Nẵng sẽ diễn ra giải đua thuyền truyền thống. Đây là hoạt động văn hóa – thể thao nổi bật từ nhiều năm nay, trở thành “món ăn tinh thần” thu hút đông người dân thành phố và du khách dịp lễ.
Dịp này, TP. Đà Nẵng tổ chức một số điểm chiếu phim miễn phí. Du khách được thưởng thức các hoạt động văn hóa đường phố như hô hát bài chòi, biểu diễn tuồng, âm nhạc đường phố. Tại phố đi bộ Bạch Đằng diễn ra chương trình “Random dance Kpop”, hóa trang kết hợp biểu diễn nhạc hơi các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế, chương trình biểu diễn nghệ thuật Áo dài show, show trình diễn nghệ thuật dưới nước jetski và flyboard…
Tại Công viên châu Á (Danang Downtown) đang có chương trình miễn phí tri ân người dân địa phương khi xem 2 show diễn thể thao mạo hiểm “Awaken River – Dòng sông thức giấc” và Rối Việt. Đặc biệt, show trình diễn pháo hoa khuấy động thành phố biển hằng đêm, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến TP. Đà Nẵng dịp lễ này.
Tại Hạ Long (Quảng Ninh)
Vào hai ngày 1/9 và 2/9 tại Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ diễn ra Lễ hội Khinh khí cầu với chủ đề “Thành phố di sản – Sắc màu Hạ Long” năm 2024. Người dân và du khách sẽ được trải nghiệm bay treo khinh khí cầu; tham quan khinh khí cầu; đêm hoa đăng khinh khí cầu; tham quan khinh khí cầu trang trí mặt đất. Lễ hội là cơ hội để quảng bá hình ảnh của thành phố Di sản, văn hoá, con người Hạ Long. Chương trình là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày Vịnh Hạ Long trở thành Di sản thiên nhiên thế giới (1994 – 2024).
Trước đó, ngày 24/8, tại Bãi tắm Tuần Châu diễn ra Lễ hội thuyền buồm, dù bay, motor nước “Vượt sóng Hạ Long – 2024” với sự tham gia của nhiều phương tiện: Thuyền buồm, moto nước, ván phản lực, dù bay… Dịp này, thành phố du lịch Hạ Long tổ chức 23 hoạt động, sự kiện tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút du khách và Nhân dân.
Tại Quảng Bình
Trong dịp nghỉ lễ 2/9, các địa phương của tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức các lễ hội bơi đua thuyền truyền thống; hoạt động nghệ thuật văn hoá, văn nghệ; các hoạt động thể thao; hội chợ thương mại. Ngoài các điểm đến văn hóa, danh lam thắng cảnh, tỉnh Quảng Bình còn có sự kiện âm nhạc kèm trình diễn pháo hoa Regal Legend hứa hẹn sẽ làm “mãn nhãn” du khách, người dân đến tham dự.
Tại Mù Cang Chải (Yên Bái)
Đón Tết Độc lập 2/9, huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ hội mùa Vàng và Lễ hội Sơn tra lần thứ nhất năm 2024. Tâm điểm của sự kiện sẽ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại Sơn tra” với sự tham gia của 6 đoàn diễu diễn đường phố biểu diễn các điệu dân vũ mang đậm nét văn hóa dân tộc Mông, Thái của huyện Mù Cang Chải, cùng xe chở mô hình quả, cây Sơn tra (táo mèo) và các sản phẩm chế biến từ Sơn tra.
Lễ hội Sơn tra sẽ diễn ra với các hoạt động Hội thi “Hương sắc Sơn tra” kết hợp với Hội thi ẩm thực “Hương vị Sơn tra” và thi trang trí không gian trưng bày Sơn tra đẹp; thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu quả Sơn tra và các sản phẩm chế biến từ Sơn tra của các địa phương tạo những điểm nhấn cho du khách.
Bên cạnh đó sẽ diễn ra nhiều hoạt động vui Tết Độc lập 2/9 sôi nổi, hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập với chủ đề “Dáng hình đất nước”; Hội thi nghệ thuật quần chúng với sự tham gia của đội văn nghệ mang đậm bản sắc; thi đấu các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian; thi đan lát các sản phẩm từ tre, trúc; Chợ phiên vùng cao suốt dịp nghỉ lễ và Festival dù lượn “Bay trên miền danh thắng”…
Dịp này, huyện cũng sẽ công bố quyết định của Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các lễ hội được công nhận: “Lễ hội mùa vàng”, Festival dù lượn “Bay trên miền danh thắng”, “Lễ hội giã bánh dày” và Quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam.
Tại Than Uyên (Lai Châu)
Mừng đón Tết Độc lập (02/9/2024), tại huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Sự kiện khai hội là Ngày hội truyền thông “Than Uyên – Hội tụ bản sắc Tây Bắc” năm 2024 diễn ra vào ngày 30/8 và ”Chương trình đêm nhạc thanh niên” tại Sân khấu phố đi bộ, đường 15/10. Tiếp theo là Giải chạy quốc tế KOMOMO Than Uyên 2024, tại thị trấn Than Uyên, xã Mường Cang, Mường Kim và Mường Than; thi đấu các môn thể thao dân tộc, như: Bắn nỏ, đẩy gậy, đánh tù lu, tó má lẹ, kéo co tại sân vận động huyện Than Uyên; Chợ phiên Nậm Pắt, tại Bản Nậm Pắt, xã Tà Mung; Chương trình Giao lưu các câu lạc bộ văn hóa Thái năm 2024 tại phố đi bộ 15/10…
Ngày 1/9 diễn ra Giải đua Mô tô địa hình “Than Uyên Endure Challenger Cup 2024”, tại xã Hua Nà với sự tham gia của các vận động viên chuyên và không chuyên trong cả nước; Giải đua thuyền Kayak tại Vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu; Trích đoạn Lễ hội Mừng Cơm mới tại không gian văn hóa dân tộc Khơ Mú; Hội thi ẩm thực truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên tại gian hàng các xã, thị trấn; Lễ buộc chỉ cổ tay tại không gian văn hóa dân tộc Thái. Đặc biệt, chương trình Nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên năm 2024 và Vòng xoè đoàn kết “Lung linh sắc màu Than Uyên – Lai Châu” diễn ra vào 20 giờ tại sân vận động huyện Than Uyên, với trên 2 nghìn người tham gia.
Ngày 2/9, Lễ Thượng cờ sẽ được tổ chức trang trọng lúc 7 giờ 30 tại sân vận động huyện, với khoảng 1000 người tham gia. Cùng với đó là Giải đua thuyền đuôi én; Thi giã và làm bánh dày; trích đoạn Lễ hội Kin Pang tại khu vực hồ, sân vận động và Không gian văn hóa dân tộc Thái; Chợ đêm Ta Gia tại Bản Củng, xã Ta Gia. Chợ phiên Tà Mung không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là điểm hội tụ văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái, Kháng,…
Cùng với đó là các hoạt động diễn ra xuyên suốt thời gian tổ chức Tết Độc lập như: Chương trình bay biểu diễn dù lượn có động cơ; không gian trưng bày giới thiệu sản sản phẩm OCOP và một số sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh; Trưng bày chuyên đề di sản văn hoá phi vật thể dân tộc Mông gắn với “Lễ hội Gầu tào và trò chơi dân gian”; Không gian văn hóa (dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Khơ Mú)…
Ông Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, năm nay UBND huyện Than Uyên đã đề nghị Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận “Tết Độc lập tại huyện Than Uyên được tổ chức lâu dài nhất”. Kỷ lục này sẽ được công bố vào đúng ngày 2/9.