Khi nhắc đến Đại học Harvard, mọi người đều nghĩ sinh viên nơi này đều là thần đồng, nghĩa là họ rất xuất sắc. Trên thực tế, để có được danh tiếng như vậy, liệu có phải hoàn toàn là dựa vào những sinh viên có tài năng bẩm sinh? Chia sẻ của một sinh viên Trung Quốc có tên là Wang Wei (Vương Vĩ) sẽ phần nào giúp bạn hình dung được cuộc sống thực của sinh viên tại trường Harvard.
Vương Vĩ chia sẻ, mỗi lần anh đến Boston, Mỹ, anh luôn ghé qua trường Harvard. Điều khiến anh thấy khác biệt nhất là bạn sẽ hiếm khi nhìn thấy sinh viên nào đang dán mắt vào điện thoại hay chơi đùa. Hình ảnh phổ biến nhất là sinh viên đọc sách chăm chú dưới bóng râm tán cây, hoặc nhiều nhóm tụ tập với nhau trên bãi cỏ và thảo luận về vấn đề nào đó.
Tại Harvard, điều khiến Vương Vĩ ấn tượng nhất là số lượng lớn các thư viện. Theo thống kê có hơn 100 thư viện trong trường. Phương châm của hầu hết các thư viện là: “Nếu bạn muốn tiếp thu kiến thức mới, hãy đến và đọc sách. Nếu bạn chọn sự tầm thường an nhàn thì hãy đi ngủ”.
Một người bạn của Vương Vĩ tại đây đề nghị anh dậy sớm và đến thư viện Harvard vào lúc 4h30 sáng.
Vương Vĩ chia sẻ: “Hôm đó vào lúc 4h30 sáng, tôi đến thư viện Harvard đúng giờ. Lúc này trời ở Boston vẫn còn khá tối. Tuy nhiên, thư viện ở đây được chiếu sáng rực rỡ. Nhiều sinh viên đến đây rất sớm, ngồi im lặng và bắt đầu học một cách chăm chỉ. Sau đó, tôi được biết là tất cả thư viện ở đây không phải mở cửa sớm như vậy trong vài ngày mà là mỗi ngày”.
Ngày hôm đó, Vương Vĩ đã gặp một sinh viên ở Thiên Tân, Trung Quốc đến Harvard học tiến sĩ. Vì vậy, họ đã có một buổi nói chuyện với nhau và chia sẻ những trải nghiệm tại đây.
Vương Vĩ chạy bộ cùng với người này và nói về cú sốc khi thấy thư viện Harvard mở cửa lúc 4h30 sáng. Tuy nhiên, người này không tán thành cảm xúc của anh và nói rằng việc học hành chăm chỉ là điều bình thường đối với bất kỳ sinh viên Harvard nào. Nếu tinh thần học tập của sinh viên Harvard được cho là từ “4h30 sáng” thì đó thực sự là một trò đùa. Bởi điều quan trọng hơn cả chăm chỉ là “khả năng học tập”, nghĩa là động lực học tập, thái độ học hỏi, khả năng tiếp thu và hiệu quả mang lại. Điều quan trọng nhất là phải có tư duy đổi mới và khả năng sáng tạo. Người này còn nói thêm rằng khi bạn bước vào Harvard, nghĩa là bạn chọn Harvard chứ không phải Harvard chọn bạn. Những lời nói này gây sốc cho Vương Vĩ.
Chưa dừng lại ở đó, người bạn này còn chia sẻ thêm với Vương Vĩ: “Những ngày đầu tiên tới Harvard, giáo viên đã nói về những quy tắc ở đây đó là: kỷ luật, tự giác. Cụ thể mỗi sinh viên được yêu cầu thiết lập một kế hoạch cho riêng mình. Kế hoạch dài hạn là một nghề nghiệp bạn phấn đấu cả đời, kế hoạch ngắn hạn là cuộc sống hằng ngày, lịch trình học và thực hiện nó một cách nghiêm túc mà không có thỏa hiệp”.
Sau đó, người này còn mở điện thoại và cho Vương Vĩ xem lịch trình trong ngày của anh ta. Thức dậy vào lúc 6h sáng và đi ngủ lúc 10h tối. Thời gian ăn, đến lớp, đến thư viện, làm bài tập… Lịch trình được ghi rất chi tiết, khoa học khiến Vương Vĩ vô cùng ngưỡng mộ.
Khi Vương Vĩ hỏi rằng có quá khó hay mệt mỏi khi sắp xếp thực hiện lịch trình như vậy không, người này đã trả lời: “Kế hoạch cho cuộc sống nên có một lịch trình cụ thể. Hãy sắp xếp tỉ mỉ và thực hiện cẩn thận. Đặt mục tiêu chính và phụ cho từng giai đoạn của cuộc đời. Theo cách này, cuộc sống là một quá trình suôn sẻ và là quá trình thành công liên tục. Nếu có thành công thì bản thân ta sẽ nhận được rất nhiều niềm vui. Do đó, việc lên lịch mỗi ngày không phải là một cực hình, mà là một quá trình hưởng thụ hạnh phúc”.
Sau khi chia tay người bạn này, Vương Vĩ nhận ra không có phép màu nào trong cuộc sống cả, tất cả đều dựa vào kỷ luật và tự giác. Harvard không có bí mật đào tạo nên sinh viên xuất sắc, tất cả dựa vào các quy tắc và kỷ luật.
Theo Báo Giao Thông