Phong trào đọc sách tại Trường tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong những năm gần đây rất sôi nổi. Thay vì mải mê với điện thoại, mạng xã hội, nhiều em học sinh say mê với đọc sách. Cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân (trong ảnh) chính là người đã kiên trì gieo mầm tình yêu văn hóa đọc cho các em.
Thông thường, sau giờ ăn trưa, các em học sinh sẽ nghỉ ngơi ít phút trước khi ngủ. Nhưng với học sinh lớp 5A3, các em sẽ dành một khoảng thời gian ngắn để đọc sách. Những giá sách được kê ngay trong lớp, để các em lựa chọn. Ðó chính là một sáng tạo của cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A3 Trường tiểu học Thanh Xuân Trung.
Trước thực trạng học sinh ngày càng mê mạng xã hội, cô giáo Ngân hết sức trăn trở. Ðiều này khiến các em dễ bê trễ việc học hành. Cô Ngân nghĩ đến việc làm thế nào để các em gắn bó với đọc sách, vì đấy là nguồn tri thức giúp các em học tập, trưởng thành. Tuy nhiên, để sách có thể “cạnh tranh” với mạng xã hội là điều rất khó. Cô Ngân đã có sáng kiến xây dựng mô hình thư viện trong lớp học và tạo dựng tình yêu đọc sách cho các em. “Chiêu” mà cô đã dùng để dụ các em là trước khi học sinh ngủ trưa, cô đọc truyện, sách cho các em nghe. Bằng giọng đọc truyền cảm, cô khiến các em cảm thấy cuốn hút vào chuyện mình dẫn dắt. Ðúng đến lúc gay cấn nhất, cô dừng lại để… hồi sau sẽ rõ. Các em học sinh có cảm giác như hồi nhỏ được bố mẹ kể chuyện trước khi đi ngủ, lại vừa bị kích thích trí tò mò. “Chiêu thức” này nhanh chóng phát huy tác dụng khi các em học sinh nóng lòng muốn biết diễn biến tiếp theo. Cô Ngân giới thiệu, muốn biết diễn biến câu chuyện thì các em hãy đến giá sách! Nhờ cách làm ấy, giờ ra chơi, trước giờ ra về, học sinh thường tranh thủ đọc sách. Ðến buổi trưa, các em lại có buổi sinh hoạt đọc sách trước giờ ngủ. Những ngày giãn cách này, dù ở nhà, nhiều em vẫn giữ thói quen đọc vài trang trước khi đi ngủ.
Học sinh của cô Ngân ham đọc sách nên phụ huynh đã tích cực đóng góp ủng hộ. Bốn năm qua, cô Ngân đã rèn cho mấy thế hệ học sinh ham mê đọc sách. Ngoài giờ đọc sách buổi trưa, cô giáo Ngân còn lồng ghép nội dung những cuốn sách vào trong tiết học. Muốn hiểu thêm nội dung, các em sẽ phải đọc sách. Cô giáo Ngân còn tổ chức những buổi sinh hoạt lớp thành những màn biểu diễn sân khấu liên quan đến những cuốn sách. Nhiều tiết học trở nên bớt khô khan hơn cũng nhờ những nội dung rút ra từ trang sách. Phụ huynh học sinh của cô Ngân rất phấn khởi khi các em đỡ ham mê điện thoại, mạng xã hội. Các phụ huynh đều hợp tác, tạo điều kiện để các em có giá sách, tủ sách tại nhà. Từ hoạt động của cô giáo Ngân, mô hình giá sách, đọc sách trước giờ ăn trưa đã được nhân rộng đến tất cả các lớp học tại Trường tiểu học Thanh Xuân Trung. Cô Ngân còn là người nhiệt tình với hoạt động từ thiện và hướng các em học sinh biết sống sẻ chia, yêu thương.
Tình yêu trẻ thơ, nhiệt huyết và sự say mê của cô Phạm Thị Hệ Ngân đã được ghi nhận. Vừa qua, cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân đã được Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội trao tặng danh hiệu Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2021
Theo Báo Nhân Dân